“Nhà xây 1 đêm” ở Bình Chánh

“Nhà xây 1 đêm” ở Bình Chánh

Chỉ cần quây ít tấm tôn hay cót ép, sau 1 đêm dỡ ra là một căn nhà mái tôn, tường gạch hoàn chỉnh lộ ra, ngỡ như trong truyện cổ tích. Đó là cách xây nhà không phép (NKP) hiện nay ở một số huyện vùng ven, ngoại thành TPHCM, mà một trong những “điển hình” là ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với trên 4.000 căn.

  • Nhà không phép mọc như nấm

Lấy lý do nhà vừa bị giải tỏa, đang cần mua đất, cất nhà, chúng tôi đến ấp 4 xã Bình Hưng huyện Bình Chánh để tìm hiểu thực trạng sang nhượng, xây dựng NKP đang rộ lên tại đây. Rẽ vào con hẻm trên đường Chánh Hưng, vừa dừng trước một bãi đất trống, các cò đã túa ra chào mời “mua đất hả anh, đất ở đây nhiều lắm, giá nào cũng có”. “Đủ giấy tờ không?”, các cò lắc đầu nhưng “cam đoan đây là đất cất nhà vô tư, nếu cần chúng tôi bao xây luôn”. “Nhưng đây là đất đã cắm bảng dự án?” – chúng tôi thắc mắc.

“Nhà xây 1 đêm” ở Bình Chánh ảnh 1
Một trong những “nhà xây 1 đêm” ở Bình Chánh.

Thay câu trả lời, tay cò tên T. dẫn chúng tôi đi xem hàng loạt căn nhà đang được xây dựng và nói “ở đây người dân chủ yếu giao cho các “thầu” vì họ có kinh nghiệm đối phó, nếu tự xây thì anh phải biết cách”. “Cách gì?”. Một cò bật mí: “Làm nhà lá hoặc nhà tôn dã chiến rồi khóa lại thì có thể yên tâm xây cả ban ngày, bằng không cứ xây ban đêm là an toàn nhất”.

Qua 2 đêm tìm hiểu “quy luật xây NKP” tại khu B và B’ (ấp 4, Bình Hưng), chúng tôi thấy thực tế đúng như những gì cò T. nói. Bên trong các căn nhà dã chiến bằng lá, bằng tôn hay cót ép là đội quân hùng hậu đang xây dựng, không chỉ nhà trệt mà còn có cả những công trình hai, ba tầng. Thậm chí, mỗi khu còn có đội quân canh chừng các hoạt động của tổ quản lý trật tự đô thị xã; chỉ cần có động, “công trường” bỗng chuyển sang “vườn không, nhà trống”. Chỉ riêng tại khu B, chúng tôi nhẩm tính có gần 100 căn nhà đang xây theo kiểu này.

Chị H., một người dân ở đây cho biết, toàn ấp 4 là đất dự án, không được phép sang nhượng, xây cất nhà. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, đất ở đây vẫn được chuyển nhượng, nhà cửa cứ mọc lên như nấm. Có những căn nhà xây 1 đêm là xong và vẫn tồn tại hiên ngang, chẳng có ai đến cưỡng chế tháo dỡ cả. Nhiều hộ dân quá bức bách, cũng đánh liều xây NKP như trường hợp ông P.H.T ở khu B. “Thú thực, bức xúc về chỗ ở, vừa rồi tôi cũng đánh liều sang nhượng một ít đất ruộng và cất nhà (không phép -PV) cho các con ra ở riêng”. Tiếp xúc với chúng tôi, những người xây NKP đều cho biết lý do mà họ bất chấp lệnh cấm xây nhà là vì “hàng ngàn NKP ở đây vẫn tồn tại có sao đâu!”.

  • Vì sao không xử lý được?

Nói về nguyên nhân NKP xây dựng tràn lan, không kiểm soát nổi như hiện nay, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng Đỗ Văn Kề, giải thích: Trên địa bàn xã có quá nhiều dự án lớn và kéo dài nhiều năm nhưng chưa thực hiện chính sách đền bù, di dời. Thậm chí tại khu B (ấp 4) dự án nhà ở được giao cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng từ năm 1994, nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn điều tra cơ bản. Và số lượng NKP tại khu B đến nay đã vượt con số 4.000 căn, hầu hết chủ nhà đều từ địa bàn khác đến.

Chỉ trong 2 tháng, tổ quản lý đô thị xã đã lập biên bản thêm gần 150 NKP. Bí thư Đảng ủy xã Bình Hưng Nguyễn Văn Chí cho biết, cái khó hiện nay là khi phát hiện, tổ trật tự đô thị chỉ được phép lập biên bản, còn để xử lý NKP theo quy định phải mất ít nhất 20 ngày. “Chưa cưỡng chế tháo dỡ được nhà này thì nhà khác đã mọc lên. Xã đã có văn bản kiến nghị được cưỡng chế tháo dỡ ngay từ đầu khi tổ quản lý trật tự đô thị phát hiện NKP, đồng thời cho cưỡng chế cả những trường hợp chủ nhà cố tình lánh mặt, không ký vào biên bản. Hiện xã đã chuyển hồ sơ sang công an đề nghị xử lý hình sự một số đầu nậu xây NKP có tổ chức, vi phạm nhiều lần”, ông nói.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Lê Minh Huệ nhận định: Tình hình san lấp, xây dựng không phép trên địa bàn huyện đang theo chiều hướng phức tạp, công khai. Một số trường hợp cán bộ không làm hết trách nhiệm để xảy ra tình trạng xây dựng NKP ồ ạt. Bên cạnh đó, do nhân sự thiếu nên xử lý không xuể. Nhiều dự án quyết định thu hồi đất từ 6 đến 12 năm nhưng đến nay vẫn chưa đền bù giải tỏa xong, thậm chí có nhiều dự án chưa điều tra cơ bản cũng là nguyên nhân phát sinh NKP. Thế nhưng, tại sao cùng 1 địa bàn nhưng người xây dựng được, người không? Đó là câu hỏi dư luận đặt ra cho chính quyền sở tại.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục