Dự án Trường THCS Lê Văn Tám và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, quận 7 TPHCM

Phương án bồi thường lỗi thời!

Phương án bồi thường lỗi thời!

Từ năm 2006 đến nay, người dân ở P.Bình Thuận-Q7 TPHCM liên tục khiếu nại về giá đền bù giải tỏa đất để thực hiện dự án Trường THCS Lê Văn Tám và Trung tâm Giáo dục thường xuyên không thỏa đáng. Nhiều lần gửi đơn từ phường, quận đến TP, nhiều lần kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết, khung giá bồi thường lỗi thời vẫn không thay đổi.

  • Dự án “quá đát”?
Phương án bồi thường lỗi thời! ảnh 1

Đất ở con đường này giá bán lên tới 6 triệu đồng/m² dù là đất nông nghiệp nhưng chỉ được bồi thường 200.000-250.000 đồng/m².

Để phát triển cơ sở hạ tầng ở quận 7, ngày 26-6-2003, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục thường xuyên (tại P.Bình Thuận) và có quyết định giao đất ngày 21-5-2004. Tiếp đó, ngày 24-6-2004, UBNDTP cũng ra quyết định giao đất cho dự án Trường THCS Lê Văn Tám tại P.Bình Thuận. Cả hai dự án này đều có thời hạn xây dựng là 12 tháng. Thế nhưng phải đến cuối tháng 12-2004, các đơn vị liên quan và UBND quận 7 mới làm xong phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho hai dự án.

Thế nhưng, điều gây bức xúc ở đây là những kiểu làm việc ì ạch của cơ quan chức năng quận 7. Nửa năm sau mới lập xong phương án đền bù, cả năm 2005 lại “cù cưa” mãi với việc kiểm kê, xác định diện tích… Đến tháng 4-2006, hai phương án bồi thường lại được làm mới, và  đến tháng 7 và 8-2006 thì các hộ dân liên quan mới được UBND quận thông báo mức bồi thường! Chị Quách Trương Minh Nga (KP3-P. Bình Thuận) thắc mắc: “Những thiệt hại của chúng tôi do việc triển khai dự án trễ nải suốt hơn 2 năm nay, ai bù đắp cho chúng tôi? Theo các văn bản và quy định đầu tư của TP, trễ lắm là hết năm 2005 hai công trình này phải đi vào sử dụng, thế mà đến nay chưa thấy động thổ!?”

  • Năm 2006 đền bù theo giá năm 1995!

Không chỉ quá hạn, quá trình lập phương án giá bồi thường hai dự án trên còn có nhiều điểm không rõ ràng. Một số người dân khi lật từng trang hai hồ sơ dự án cho chúng tôi xem đã chỉ rõ một số điểm “mờ” của hai dự án. Đây là hai công trình khác nhau thế mà không hiểu sao Hội đồng bồi thường-GPMB lại giống nhau hoàn toàn từ danh tính đến số lượng thành viên, quyết định thành lập được UBND quận 7 ra cách nhau chỉ vài ngày. Tuy nhiên, điểm cốt lõi nhất của phương án bồi thường của hai dự án trên là đơn giá đền bù quá lạc hậu. Anh Dương Văn Chơn (62-đường số 1-KP3-P. Bình Thuận) than thở: “Gia đình tui đã hai lần bị thu hồi đất rồi, nay là lần thứ ba. Ở đây là khu dân cư, lại liền kề các khu dân cư hợp pháp khác là KDC cảng Bến Nghé, KDC cảng Tân Thuận, KDC Thanh niên xung phong. Không nói đâu xa, ở đây nhiều nhà đã có sổ hồng, lại là khu phố văn hóa. Thế thì sao lại không được xem là đất xen kẽ hay liền kề các khu dân cư?”

Được biết, ngày 12-7-2004, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo rằng các phương án bồi thường do chủ đầu tư thẩm định và được UBNDTP phê duyệt và ban hành từ ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành) trở về sau sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với các nghị định mới và đảm bảo quyền lợi của người bị giải tỏa. Thế nhưng, trong phương án bồi thường của cả hai dự án, được quận 7 lập và phê duyệt năm 2004, đơn giá đền bù đất nông nghiệp lại căn cứ vào bảng giá đất ban hành theo Quyết định số 05/QĐ-UB-QLĐT ngày 4-1-1995 của UBNDTP! Theo đó, giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm lần lượt là 200.000 đồng/m² và 250.000 đồng/m². Tiếp đó, đến tháng 4-2006, phương án bồi thường mới được lập lại nhưng không có gì mới, giá đất nông nghiệp vẫn như cũ!

Theo điều 6 và 9 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì giá bồi thường đất được tính bằng giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Thông tư 116/2004/TT-BTC ngày 7-12-2004 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 197/2004/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo phải bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi và phù hợp thực tế địa phương. Thế nhưng, từ lúc lập, phê duyệt, điều chỉnh phương án bồi thường đến khi ra thông báo và ra quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân, mức giá đền bù lại được áp dụng đơn giá trước đó hơn chục năm! Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Duy Khoa, Trưởng ban Bồi thường-GPMB quận 7 thừa nhận dự án chậm trễ là do những vướng mắc về thủ tục hành chính. Ông Khoa cho rằng, giá đất nông nghiệp đền bù cho dân là quá thấp, không thay đổi trong nhiều năm nay là quá bất hợp lý so với thực tế giá đất ở được điều chỉnh tăng mỗi năm. Còn về vấn đề đất xen kẽ hoặc liền kề khu dân cư, ông Khoa cũng cho rằng các tiêu chí xác định đất xen kẽ trong khu dân cư theo Quyết định 106/2005/QĐ-UB ngày 16/6/2005 của UBND TPHCM là chưa hợp lý, gây thiệt hại cho người dân. Lẽ ra người dân phải được hỗ trợ thêm 20-50% giá đất ở liền kề. Theo ông Khoa, phía quận 7 đã nhiều lần kiến nghị lên các sở ngành và UBND TP nhưng chưa thấy động tĩnh gì.

Như vậy, rõ ràng phương án bồi thường, hỗ trợ của hai dự án trên là lỗi thời, không phù hợp thực tế. Do vậy, không chỉ nhiều người dân nằm trong hai dự án bị thiệt hại mà đông đảo người dân quận 7 cũng thiệt thòi khi dự án chậm trễ.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục