Tình nghĩa Cần Thơ

Sáng 26-9, nghĩa tình của người dân Tây Đô nói riêng và cả nước nói chung với sự cố cầu CầnThơ vẫn thể hiện rất rõ. Từ tờ mờ sáng, các nẻo đường dẫn về Bệnh viện Đa khoa Trung ương và Bệnh viện 121 đông hơn thường ngày. Phần đông người dân từ TPHCM, tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và TP Cần Thơ đều hỏi đường vào khoa xét nghiệm để hiến máu cứu giúp những người bị nạn.

Theo thạc sĩ Trần Thanh Châu, Chủ nhiệm khoa xét nghiệm: “Tính đến 11 giờ sáng 26-9, người dân từ các nơi đã tự nguyện hiến 118 đơn vị máu. Nếu tính luôn số máu dự trữ tại khoa (hơn 60 đơn vị), chúng tôi đủ khả năng đáp nhu cầu cho người bị nạn. Rất tiếc là tủ đựng máu đã chật kín, chúng tôi không tiếp nhận thêm được”.

Tình hình hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện đa khoa trung ương cũng vậy. Trong nét mặt hối tiếc, chị Hồ Lâm Ngọc Bích, nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cần Thơ, cho biết: “Gia đình tôi sẵn sàng hiến máu cho các nạn nhân, nhưng các bác sĩ cho biết đã “hết chỗ”. Tôi để lại địa chỉ, số điện thoại di động cũng như nhà riêng cho bệnh viện gọi bất cứ khi nào cần. Các bạn bè và bà con ở khu phố tôi cũng đã nhắn gửi như vậy”.

Có thể nói nghĩa tình người dân Cần Thơ đối với những người bị nạn hết sức sâu đậm. Họ sẵn sàng từ bỏ lợi ích kinh tế, cuộc sống mưu sinh hàng ngày để chung tay xoa dịu nỗi đau, chia sẻ mất mát với thân nhân và người bị nạn.

Hai ngày qua, kể từ lúc nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập đổ thì tất cả tình cảm người dân đã dồn hết cho bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến cứu hộ, cứu nạn. Tại khoa cấp cứu hồi sức, anh Lưu Thanh Điền, nhà ở Châu Đốc, tỉnh An Giang, cho biết: “Mấy anh xe ôm tốt lắm. Biết tôi đến Bệnh viện 121 thăm người bạn bị  tai nạn, họ chở không lấy tiền. Còn ở tại bệnh viện thì cứ đến giờ ăn thì có người đem bánh mì, cơm hộp, nước suối… đến tặng cho những thân nhân như tôi”.

Thượng tá Huỳnh Đức Trì, Chính trị viên Huyện đội Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tôi đang tham dự diễn tập ở đơn vị thì được tin sự cố. Huy động hết anh em đến hiện trường tổ chức đưa người bị nạn đi cấp cứu và bảo vệ quên cả giờ giấc. Đến 15 giờ chiều có một cháu gái đưa cho tôi ổ bánh mì và nước suối thì mới nhớ mình chưa ăn gì. Không thể kể hết sự quan tâm hỗ trợ lương thực kịp thời và hiệu quả đó. Hàng ngàn phần ăn đã được người dân trao tận tay như một động lực giúp chúng tôi hoàn thành công việc!”.

Điều đáng ghi nhận là không có hình thức phô trương quảng cáo trong công tác thắm đậm nghĩa tình này. Tất cả lẳng lặng đến rồi êm thấm đi mà không hề để lại tên hay địa chỉ.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục