Ngày thứ 4 khắc phục thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ

Ngày thứ 4 khắc phục thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ
  • Tìm thấy thi thể thứ 49
  • Đã chuyển 7 thi hài về quê ở miền Bắc
  • Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng và liên danh nhà thầu TKN
    Xin lỗi gia đình các nạn nhân
Ngày thứ 4 khắc phục thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ảnh 1

Lực lượng cứu hộ phải khoan cắt từng miếng bê-tông để tìm xác nạn nhân. Ảnh: CAO PHONG

Chiều 29-9, tại văn phòng nhà thầu TKN ở khu vực xảy ra thảm họa, Bộ GTVT, BQL dự án Mỹ Thuận, liên danh nhà thầu TKN đã tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, với sự tham dự của khoảng 120 nhà báo trong và ngoài nước. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Đây là sự cố công trình và tai nạn lao động nghiêm trọng nhất của ngành… Tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, những người bị nạn và gia đình người bị nạn”.

Ngay sau đó, ông  Hayama, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Taisei, và 15 thành viên đại diện liên danh nhà thầu TKN đã cúi đầu: “Chúng tôi, từ đáy lòng mình, xin thành thật bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc về sự cố gây nên tổn thất lớn về sinh mạng xảy ra vào sáng 26-9”. Ông Hayama thành khẩn: “Tôi xin kính cẩn cầu nguyện cho linh hồn những người đã mất và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình họ. Tận đáy lòng, tôi cũng gửi lời thăm hỏi đến người bị thương và gia quyến, xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân Việt Nam, Chính phủ Việt Nam vì đã gây ra nỗi khó khăn phiền hà và sự lo lắng vô cùng to lớn”.

Khi báo giới đặt nghi vấn về nguồn gốc vật liệu xây dựng, phương pháp chọn thầu phụ và thiết kế, thử tải giàn giáo, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và nhà thầu TKN đều khẳng định rằng việc chọn thầu phụ VSL là đúng quy định, giàn giáo đã được thiết kế đúng, giám sát cẩn thận và đã thử tải. Hiện nay, việc tìm kiếm các nạn nhân hết sức quan trọng, nên truy tìm nguyên nhân sẽ được tiến hành sau khi khắc phục xong hậu quả. Hầu hết nhà báo đều chưa hài lòng với cách trả lời này. Về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, ông Hayama khẳng định TKN sẽ chịu trách nhiệm chính về vụ thảm họa, song phải chờ kết luận các cơ quan chức năng, trong khi Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết ông nhận trách nhiệm về quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Tuy nhiên, khi có nhà báo hỏi “Bộ trưởng có ý định từ chức không?”, ông Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời: Sau khi có kết luận cụ thể, nếu nguyên nhân gây ra tai nạn thuộc về bộ trưởng, tôi sẽ nghĩ đến việc từ chức. Trước câu hỏi của báo chí “Đa số công nhân bị nạn đều nghèo khó, lại không có hợp đồng lao động, việc thực thi các chế độ cần thiết sẽ như thế nào?”, ông Hayama khẳng định: Bằng tất cả tấm lòng, nhà thầu sẽ cố gắng lo lắng trong khả năng. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào còn chờ bàn bạc với Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan.

Bao giờ cầu Cần Thơ được thi công trở lại, liệu có hoàn thành tiến độ không, vẫn chưa đơn vị nào trả lời được. Buổi họp báo chỉ diễn ra trong khoảng 1 giờ. Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức kết thúc buổi họp báo với lời xin lỗi: Dành thời gian cho cứu hộ.

Nhóm PV

Nhiều công nhân xuất viện muốn tiếp tục thi công cầu Cần Thơ

Theo Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sập cầu Cần Thơ, tính đến chiều tối 29-9, các lực lượng cứu hộ đã tìm được tổng cộng 49 thi thể - trong đó hai anh Nguyễn Văn Đùng và Đỗ Văn Sáu được lấy ra khỏi đống đổ nát trong ngày 29, còn 1 thi thể nữa là anh Nguyễn Văn Tiếp, chưa thể lấy ra được khỏi hiện trường. Dự kiến, suốt đêm 29 đến sáng 30-9, một đội cứu hộ 40 người sẽ nỗ lực tìm kiếm và bốc dỡ những thi thể còn lại. Hiện nay, theo danh sách nạn nhân mất tích, còn 3 thi thể của Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Hơn và Lê Hoàng Quốc Việt chưa tìm thấy. Trong số 49 nạn nhân tử vong, có 7 người quê ở miền Bắc, là Lê Thanh Hòa (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Tân (Nam Định), Ngô Văn Biên (Nam Định), Đỗ Đình Hưởng (Thái Bình), Cù Văn Sơn (Nam Định), Nguyễn Quý Vinh (Hà Nội), Trương Văn Viễn (Ninh Bình). Cơ quan pháp y đã làm đầy đủ thủ tục và chuyển các anh về quê theo đường hàng không. UBMTTQ TP Cần Thơ cho biết, số tiền hỗ trợ các nạn nhân này (mức hỗ trợ ban đầu cho thân nhân là 30 triệu đồng) sẽ được chuyển về UBMTTQ các địa phương trên.

Đến chiều cùng ngày, tại BV Tây Đô, tất cả 6 nạn nhân đã khỏe hẳn, ăn uống, cười nói bình thường. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Thuận An, Bình Minh, Vĩnh Long) bảo, vài hôm nữa xuất viện, tôi tiếp tục vào làm công nhân cầu Cần Thơ. Phải nỗ lực hoàn thành cây cầu - niềm tự hào của đồng bằng mình. Anh Đỗ Văn Ngữ (Thái Bình) đồng tình: Một đứa em tôi đã chết nên tôi không thể bỏ cuộc. Tôi muốn tiếp tục sát cánh cùng anh em hoàn thành cây cầu thế kỷ này. Từ hôm bị thương đến nay, anh Ngữ ở bệnh viện chỉ có một mình. Vợ và 2 con ở quá xa, nhà nghèo nên không vào thăm anh được. Anh nghẹn ngào: “Tháng này, bị sự cố không làm được nên lo ở nhà không biết sống ra sao. Cũng may, hổm rày, các đoàn cứu trợ đến thăm và tặng quà, tôi dành dụm gởi về quê cho vợ con mua gạo”.

Sau 2 ngày đêm làm việc cật lực cùng các bác sĩ của BV Đa khoa TƯ Cần Thơ và BV 121, BV Đa khoa TP Cần Thơ, các chuyên gia y tế BV Chợ Rẫy đã cứu sống hơn 80 nạn nhân, trong đó có 17 trường hợp rất nặng, như: Nguyễn Văn Hoàng (dập xương sọ, máu tụ trong não), Mạnh Hồng Thái (chấn thương não, tổn thương gan), Hà Văn Huynh (chấn thương sọ não, bụng, vỡ gan và gãy xương chân trái…). Lúc 13 giờ ngày 29-9, một nhóm chuyên gia khác của BV Chợ Rẫy tiếp tục tăng cường đến Cần Thơ để điều trị chuyên sâu cho các nạn nhân chậm hồi phục.

Sáng 29-9, tại BV Đa khoa TƯ Cần Thơ, anh Lê Hoàng Nam (24 tuổi, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, công nhân của Công ty VSL, nạn nhân chấn thương nặng nhất: gãy và bị mất 2 đoạn xương sườn trái, vỡ lách, vỡ dạ dày, rách cơ hoành, tim lọt ra ngoài lồng ngực…) đã có dấu hiệu hồi phục khi nhận biết được người thân và đòi uống nước. Tuy nhiên, anh Nam vẫn còn trong tình trạng sốc, phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch trong thời gian dài. Cha anh, ông Lê Thanh Khải, nói trong nước mắt: Tôi chỉ mong nó sống vì em nó, Lê Hoàng Quốc Việt (công ty Vĩnh Thịnh) còn mất tích…

Tin cùng chuyên mục