Đón tết trên tàu hỏa

Để người dân xa xứ về quê đón một cái tết sum vầy, đoàn tiếp viên phục vụ trên tàu hỏa đã tất bật không có ngày nghỉ tết. Năm nào cũng vậy, anh chị em đoàn tiếp viên luôn đón thời khắc giao thừa thiêng liêng trên tàu hỏa…
Đón tết trên tàu hỏa

Để người dân xa xứ về quê đón một cái tết sum vầy, đoàn tiếp viên phục vụ trên tàu hỏa đã tất bật không có ngày nghỉ tết. Năm nào cũng vậy, anh chị em đoàn tiếp viên luôn đón thời khắc giao thừa thiêng liêng trên tàu hỏa…

Mấy chục năm chưa đón tết với gia đình

Chăm lo cho hành khách được ngon miệng là niềm vui của nhân viên tàu hỏa

27 tháng Chạp, trên sân ga, nhiều người hối hả lên tàu, tay xách nách mang hành lý, những cành mai, giỏ quà để mang về làm quà tặng người thân. Hồi còi tàu vang lên chuẩn bị xuất phát, rồi đoàn tàu chầm chậm lăn bánh từ ga Sài Gòn đến ga Hà Nội. Không khí trên tàu rộn ràng. Mới về nhà với gia đình chưa trọn vẹn một ngày, anh Nguyễn Tấn Tài, Trưởng đoàn tiếp viên, lại phải quay lại với công việc. Đã hơn 30 năm nay, anh Nguyễn Tấn Tài chưa bao giờ được đón cái tết trọn vẹn cùng với vợ con. Anh bồi hồi tâm sự: “Các con tôi luôn phải đón tết vắng bố, chỉ có mẹ chở đi chơi. Cũng nhờ cả nhà thông cảm được với công việc bận bịu của tôi, nên tôi yên tâm công tác. Trong những ngày cao điểm tết, anh chị em đoàn tiếp viên chỉ được nghỉ chưa tới một ngày rồi lại đi làm. May mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác, tôi có nhà ở TPHCM nên có thời gian dài hơn so với nhiều người. Năm nay, đoàn tàu của tôi khi quay lại TPHCM thì đã mùng 2 và sáng mùng 3 lại đi tiếp”. Dù vậy, anh Tài có niềm vui được hết lòng vì mọi người. Không chỉ lo công việc phục vụ hành khách, anh Tài còn có kỹ năng sơ cứu, giúp được những người bị bất ổn sức khỏe khi đang đi tàu, đã 3 lần đỡ đẻ cho hành khách và rất nhiều lần sơ cứu.

Mang con ra ga thăm vài phút

Đoàn tàu lăn bánh đã lâu, công việc cũng bắt đầu giãn ra, chị Nguyễn Thị Quế tranh thủ gọi điện thoại cho mẹ để thăm hỏi gia đình. Tuy con chị chưa nói chuyện được nhưng tiếng con ê a qua điện thoại đã tiếp thêm động lực cho chị Quế. Hai vợ chồng chị cùng làm tiếp viên đường sắt nhưng không bao giờ được đi cùng chuyến tàu, kể cả trong dịp tết. Từ khi vào làm cho đến nay, hai vợ chồng cũng chưa được đón tết cùng với gia đình. Khi được hỏi tại sao là phụ nữ mà lại chọn nghề tiếp viên đường sắt, chị Quế xúc động kể: “Đó là duyên nghiệp rồi, đành phải chịu thôi. Từ khi sinh con, tôi phải mang con về Thanh Hóa cho bà ngoại chăm, chứ hai vợ chồng đều đi tàu nên không thể chăm được. Mỗi lần tàu đi ngang ga Thanh Hóa, bà ngoại bế cháu ra ga để đứng nhìn, thấy nhau được một thoáng. Giây phút giao thừa đến mà đi tàu có khách thì còn vui vẻ, cảm giác giống như được hành khách chia sẻ. Còn lúc giao thừa mà trên tàu không có khách thì đồng nghiệp làm mâm cơm gia đình tự chúc tết cho nhau… Thời tiết hai miền khác nhau cũng khiến cơ thể chịu nhiệt độ thay đổi nóng lạnh thất thường, nhưng vì công việc cũng phải gắng mang đến cho hành khách cảm giác thoải mái nhất”.

Hoạt động của tổ nấu ăn có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng phục vụ hành khách đi tàu. Khi tàu dừng, đầu bếp phải hối hả đi chợ mua thực phẩm, còn khi tàu chạy thì đầu bếp đứng rung lắc theo nhịp tàu để nấu thức ăn. Dù tàu chạy rung lắc nhưng anh Nguyễn Hoài Nam (Tổ trưởng tổ bếp) vẫn nêm nếm, đảo thức ăn, cắt gọt củ quả một cách nhanh nhẹn. Anh Nam cho hay: “Thức ăn trên tàu luôn phải được cải thiện cho ngon hơn, những đầu bếp đều được đi học nghề. Không nấu một cách qua loa mà phải ngon. Hành khách được ngon miệng là niềm vui của đầu bếp. Trong những ngày tết, đoàn tàu cũng nấu những món thường có trong mâm cơm ngày tết như măng kho, thịt kho trứng, củ kiệu… Cũng nhờ vậy, ai cũng có bữa cơm ngày tết trên tàu để đỡ thấy tủi thân”.

Ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam, cho hay: “Tiếp viên hãng máy bay, xe khách còn được ngày đi ngày nghỉ; còn tiếp viên tàu hỏa thì đi vài ngày nhưng chỉ nghỉ được chưa đến 1 ngày lại phải tiếp tục đi làm. Những người có nhà gần ga thì còn có nhiều thời gian thăm nhà, chứ người ở tỉnh xa thì có tranh thủ về thăm nhưng cũng không được bao lâu. Những ngày tết, công việc càng phải chịu áp lực hơn, nên tiếp viên tàu hỏa đều không được ăn tết cùng với gia đình. Khoảnh khắc thời điểm giao thừa rất thiêng liêng, lòng người đều thấy bồi hồi, xúc động, cảm giác lẫn lộn; công ty luôn thấu hiểu, động viên, hỏi thăm, tặng quà. Hết tết, công ty luôn sắp xếp cho mọi người có thời gian nghỉ bên cạnh gia đình”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục