
Nhiều công trình thi công cải tạo nâng cấp vỉa hè trên địa bàn quận 1 đang tạm “án binh bất động” vì chuyển hướng từ bê tông hóa sang “xanh hóa” theo chủ trương của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM. Thế nhưng, hiệu quả “xanh hóa” chưa thấy đâu, người dân đã “xanh mặt” vì nỗi khổ trần ai từ những công trình dở dang, kéo dài này.
Buôn bán ngưng trệ, sinh hoạt khó khăn
Mấy tuần nay, người dân ở trên đường Võ Thị Sáu phường Tân Định “méo mặt” vì vỉa hè ngưng thi công giữa chừng. Do vỉa hè nham nhở, chỗ thì được phủ lớp bê tông, chỗ còn trơ đất đá, nên người đi bộ đành phải liều bước xuống lòng đường, chen chân cùng dòng xe cộ đông đúc. Đối với những hộ ở mặt tiền đường, chẳng những vào nhà khó khăn mà việc mua bán, kinh doanh đều ế ẩm.
Tương tự, trên phố “du lịch” Lê Thánh Tôn (phường Bến Nghé), người đi đường cũng lao đao vì vỉa hè nham nhở. Sau khi đào xới vỉa hè lên rồi phủ một lớp bê tông sơ sài, đơn vị thi công rút đi một cách lặng lẽ, để lại công trình ngổn ngang bê tông, vôi vữa. Nhiều chủ kinh doanh ở đây than thở: “Do đi lại trên vỉa hè quá khó khăn nên khách hàng ngại vào các cửa hàng, vì thế hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều ế ẩm, doanh thu giảm rõ rệt”.
Có thể nói vỉa hè bị “ngâm” lâu nhất thuộc về đường Ký Con phường Nguyễn Thái Bình. Gần 3 tháng nay, kể từ ngày khởi công vỉa hè, người ta chỉ thấy công trình dừng ở công đoạn phủ lớp bê tông trên mặt, rồi tất cả ngưng trệ, không một lời giải thích khi nào thi công tiếp.
Anh Phù Minh Thắng ở nhà số 97 Ký Con, bức xúc: “Mọi sinh hoạt, kinh doanh của người dân đều bị đảo lộn. Ở đây, nhà nào cũng sắm 2 tấm ván để đẩy xe máy từ đường lên vỉa hè, từ vỉa hè vào nhà. Nhà nhà đều có tấm kê nên dễ gây cản trở giao thông…”.
Ông Hồng Văn Hiến, Tổ trưởng tổ 77 thì lắc đầu, buồn bã: “Cuộc sống mấy chục hộ dân trong tổ, nằm trên đường Ký Con - chủ yếu sống nhờ vào “mặt tiền” nhưng từ khi vỉa hè bị đào bới, dang dở đến nay buôn bán, kinh doanh giảm sút, nhà nào cũng gặp khó khăn. Cứ kéo dài mãi tình trạng này thì năm nay nhiều hộ kinh doanh thất thu, chỉ đủ tiền nộp thuế”.

Người dân phải làm tấm kê để đưa xe máy vào nhà.
Chờ đến bao giờ?
Trước thực trạng hàng loạt công trình chỉnh trang vỉa hè đang bị ngưng trệ không biết đến bao giờ mới hoàn thành đang trở thành nỗi ám ảnh đối với các hộ dân sống dọc theo các tuyến đường ở quận 1.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Định, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, cho biết: “Vỉa hè đường Ký Con là 1 trong 4 tuyến đường do phường làm chủ đầu tư, chỉnh trang trong dịp này. Do chủ trương “xanh hóa” vỉa hè thay bằng lót gạch, bê tông hóa của Sở GTVT TP được áp dụng sau khi công trình đã thi công, gây ra không ít khó khăn cho địa phương. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến công trình thi công chậm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, thúc giục đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, do Điện lực Sài Gòn yêu cầu dời thời gian thi công đến tháng 9-2009, nên công trình chậm là điều khó tránh khỏi”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng, chủ trương xanh hóa vỉa hè là cần thiết và phải được triển khai. Tuy nhiên, do đặc thù của một quận trung tâm, việc kinh doanh của người dân gắn liền với vỉa hè nên việc đặt bồn hoa, cây cảnh chỉ áp dụng ở những vỉa hè có đủ bề rộng, trước những công sở, công trình công cộng chứ không thể đặt trước nhà dân. Vì vậy, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi công trình để có biện pháp xử lý kịp thời, sớm thi công công trình để không gây khó khăn cho người dân. Như thế, chủ trương “xanh hóa” vỉa hè là cần thiết nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế, chứ không thể áp dụng một cách máy móc, đại trà.
Vậy bao giờ các công trình thi công nói trên hoàn thiện để trả lại cuộc sống ổn định cho người dân?
Trần Yên