
Những cây cầu vượt ở TPHCM được xây dựng là giải pháp hợp lý để chống tai nạn giao thông cho người đi bộ, giảm ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực. Tuy nhiên, không hiểu vì sao từ khi được xây dựng đến nay nhiều cây cầu vượt dành cho người đi bộ hầu như chỉ để làm kiểng…
Hiện ở nội ô TPHCM có khoảng 4 cây cầu vượt ở các quận 1, Bình Thạnh và Tân Bình dành cho người đi bộ đều trong tình trạng bỏ không, rất lãng phí do người dân không thích sử dụng. Cầu vượt ở Văn Thánh là một trong số những cây cầu ấy. Cầu được xây dựng từ năm 2000 với kinh phí 1,3 tỷ đồng và nằm ở một địa thế rất hợp lý bởi là cửa ngõ lưu thông xe cộ từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Do mật độ xe lưu thông qua lại khu vực này rất đông (gần chợ Văn Thánh) nên với mục đích nhằm giảm nguy hiểm, tai nạn cho người đi bộ Ban quản lý dự án cầu đường TPHCM quyết định xây dựng cầu vượt này. Khi cầu được đưa vào sử dụng người dân chẳng những không đi mà tự ý phá luôn nhiều con lươn, bồn hoa để dắt xe hay đi qua đường... cho tiện. Hiện nay, cầu vượt trở thành nơi tập thể dục của các cụ già, tối đến thì là nơi hò hẹn của trai gái, còn đêm khuya thành điểm hẹn của gái mại dâm.
Cầu vượt trước Bệnh viện Nhân dân Gia Định trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cũng nằm trong tình trạng tương tự. Bệnh nhân và người nhà của họ cứ vô tư dắt díu nhau qua đường, né từng chiếc xe ngay dưới gầm cầu mặc cho cây cầu đứng sừng sững mời chào.
Cầu vượt nối Khu điều trị bệnh nhân I và II của Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh Q1) cũng chẳng khá hơn cho dù dưới lòng đường xe cộ, dòng người kẹt cứng mỗi ngày. Hiện nay chỉ có bác sĩ hai khu đi qua lại làm việc.
Tương tự, cầu vượt nối hai khu A và B của công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) bắc qua đường Phan Thúc Duyện cũng không “hấp dẫn” người đi bộ và cùng chung số phận bỏ trống. Chính vì lẽ đó, vào ban đêm cây cầu trở thành điểm hẹn tình yêu hết sức lý tưởng cho các đôi trai gái, giới đồng tính. Chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng mua vé là họ tha hồ làm chủ cây cầu, bởi chẳng có ai qua lại.
Phỏng vấn trực tiếp những người dân thường đi qua khu vực có cầu vượt, họ đều cho rằng: “Rất bất tiện và mất thời gian khi sử dụng cầu dẫn cho người đi bộ”. Điều này cho thấy thói quen sử dụng cầu vượt chưa được hình thành đối với người dân đô thị.
Do người dân đô thị chưa có thói quen đi lại như ở những nước văn minh cùng tâm lý “người ta sao mình vậy” nên số vụ va quẹt, tai nạn giao thông tại những địa điểm có đặt cầu vượt vẫn chưa giảm. Để tập thói quen văn minh này, chúng ta cần phải có biện pháp chế tài nghiêm khắc như xử phạt tiền đối với những trường hợp người đi bộ cố tình không chấp hành ở khu vực có cầu vượt đi bộ.
Tiến Nguyễn