Xây dựng chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao TPHCM

Ngày 10-1, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm thảo luận, lắng nghe ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học, viện – trường và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao (KCNC) trình UBND TPHCM phê duyệt.

tempImageFpRwwr.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo cũng xác định phương hướng, nhiệm vụ của Khu Công nghệ cao TPHCM giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với mục tiêu xây dựng KCNC TPHCM trở thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

Đây là nơi tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng trưởng cao, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, KCNC đã trải qua 22 năm hình thành và phát triển, trong quá trình đó, KCNC đã thu hút rất nhiều dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới đến đầu tư, đây cũng là nơi tập trung liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, góp phần cải thiện, nâng cao năng lực đầu tư của TPHCM - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

Đến nay, KCNC TPHCM đã từng bước hình thành năng lực nội sinh về công nghệ cao có thể tự đảm nhận các công việc như chuyển giao công nghệ, F&D, ươm tạo công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao...

a7e3193f-4869-4ee5-a4b8-b93a103a6d72.jpg
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố đã đề xuất một số góp ý nhằm phát triển KCNC như: Xác định hiện trạng các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM trong thời gian qua; xác định định hướng phát triển các khu công nghiệp tại TPHCM; vai trò Khu công nghệ cao trong thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao và hình thành các cụm công nghiệp cộng sinh; tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu công nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

tempImageuvdLaL.jpg
PGS.TS Lê Quốc Cường, Phó Trưởng Ban quản lý KCNC TPHCM chia sẻ chiến lược phát triển trong thời gian tới

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, KCNC là một mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, là nơi thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, là đầu tàu về phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Trong những năm qua, KCNC TPHCM đã có nhiều thành tựu đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Trong đó, có thể kể đến như hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động, xuất nhập khẩu, đặc biệt là sức lan tỏa và tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ, các nhà khoa học, doanh nghiệp về phát triển khoa học công nghệ, kích thích sự đổi mới sáng tạo.

Do vậy, việc xây dựng chương trình phát triển khoa học công nghệ dành riêng cho KCNC cần tập trung lĩnh vực R&D và đổi mới sáng tạo, trong đó Viện đề xuất bốn nhóm giải pháp để tập trung phát triển bao gồm: Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới vững mạnh; tăng cường phát triển và thu hút nhân tài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hợp tác kiến thức.

Đây cũng là tiền đề để xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích dành cho KCNC, nhằm tháo gỡ những mặt còn tồn tại như hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng chưa đáp ứng, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, liên kết giữa các doanh nghiệp và trường đại học/viện nghiên cứu còn hạn chế; cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp R&D chưa đầy đủ…

Tin cùng chuyên mục