Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM có trọng tâm, trọng điểm

Ngày 27-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TPHCM liên quan nội dung Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Ngày 27-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TPHCM liên quan nội dung Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM
Ngày 27-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TPHCM liên quan nội dung Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương và TPHCM.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 76 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM. Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất. Thời gian qua, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Dự thảo Nghị quyết có mục đích xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể, trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và TP Thủ Đức. Các cơ chế, chính sách này gồm 4 nhóm: các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54; các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù dành cho các địa phương khác; các cơ chế, chính sách có trong một số dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thời gian tới; các cơ chế, chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan tiếp thu các ý kiến của Thường trực Chính phủ và các góp ý tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tiến độ và chất lượng, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5-2023). Đề nghị các cơ quan liên quan và TPHCM tiếp tục rà soát lại nội dung dự thảo để xây dựng các cơ chế, chính sách cho thành phố theo hướng đặc thù, thông thoáng, vượt trội nhưng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện trên thực tế, tạo điều kiện tốt nhất có thể để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là tháo gỡ các nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, thẩm quyền, tổ chức thực hiện; tạo đột phá về hợp tác công tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội không chỉ cho phát triển hạ tầng mà còn các lĩnh vực khác. Thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho thành phố đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, giáo dục - đào tạo và thu hút nguồn nhân lực...

Việc xây dựng cơ chế, chính sách không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thách thức mà còn phải thúc đẩy, tạo động lực phát triển mới cho thành phố, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Các cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TPHCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Tin cùng chuyên mục