Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cả về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng

TPHCM xác định xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc đối với Bác, vừa là động lực quan trọng để xây dựng thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2022) và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2022), phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, về nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cả về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM

Đón đầu xu hướng cách mạng công nghệ

- PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, TPHCM đang xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đồng chí có thể tóm tắt về định hướng chiến lược trong công việc này?

Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI: Trước tiên, chúng ta cần phải khẳng định, TPHCM được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là vinh dự hết sức lớn lao. Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 3-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trách nhiệm và niềm vinh dự của TPHCM khi là địa phương duy nhất được mang tên Bác. Dù trước đây TPHCM được ví như Hòn ngọc Viễn Đông hay đầu tàu kinh tế của cả nước, việc được mang tên Bác vẫn rất đặc biệt. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân TPHCM phải luôn thấy được niềm tự hào này, suy nghĩ làm sao để việc được mang tên Bác trở thành một động lực phát triển cho thành phố.

Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tham mưu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, nhân dân TPHCM đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và là động lực quan trọng xây dựng thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế. 

Tên gọi “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” có thể còn mới mẻ với nhiều người và nội hàm là rất rộng, không chỉ bó hẹp ở quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành ủy TPHCM xác định xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cả về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một khái niệm mới, có nội hàm rộng và quan tâm phát triển đồng bộ cả về kinh tế - văn hóa - xã hội. Chúng ta cùng lúc nhận diện rồi kết hợp 2 khái niệm. Đó là “môi trường văn hóa đặc sắc” mang tính tiếp biến với bề dày văn hóa dân tộc và một “không gian” trải nghiệm, thực hành, đối chiếu, bổ sung những bài học mới của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

- Dự kiến, chúng ta cần bao lâu thời gian để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này?

Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong phạm vi TPHCM, mà còn lan tỏa trên cả nước. Đây là nhiệm vụ lâu dài.

TPHCM phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hình thành việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Từ nay đến đó, Thành ủy TPHCM xác định một số định hướng chiến lược theo quan điểm: đó là quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM; xây dựng văn hóa tinh thần, chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa và con người thành phố phát triển toàn diện mà mạch nguồn là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó người dân thành phố được đặt vào vị trí trung tâm.

Quận đoàn quận Phú Nhuận xây dựng công trình “Không gian Bác Hồ với thiếu nhi”. Ảnh: VĂN MINH

Nội dung phong phú từ việc kết nối bờ sông Sài Gòn

- TPHCM triển khai việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra sao, thưa đồng chí?

Sau 15 năm triển khai đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, TPHCM đã đạt nhiều kết quả, tạo chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và có hàng vạn tấm gương được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương. Đồng thời tạo thành những phong trào thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành nghề. 

Gắn với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp tạo lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến gắn với phát động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, lực lượng vũ trang, đội ngũ trí thức, thầy cô giáo, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo lời Bác.

Chúng ta đặt người dân TPHCM vào vị trí trung tâm của sự phát triển; xây dựng hình ảnh người dân thành phố có phẩm chất tốt, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa: “năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”. Từ đó góp phần hình thành tính cách đặc trưng của người dân thành phố là năng động sáng tạo, biết cách vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.  

Điều này cho thấy, họ được tiếp xúc, trải nghiệm và soi rọi lại bản thân mình trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM.

- Chúng ta có nên xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh dọc bờ sông Sài Gòn, thưa đồng chí?

Cùng với quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa, góp phần hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, thành phố đã tập trung xây dựng các sản phẩm văn hóa trên cở sở nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời thể hiện đặc trưng văn hóa, con người TPHCM. 

Vừa rồi, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM và các chuyên gia, nhà khoa học đã có chuyến khảo sát sông Sài Gòn. Tôi hình dung, sông Sài Gòn sẽ mở ra hướng phát triển mới của thành phố trong tương lai. Nếu như chúng ta xây dựng được thêm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh dọc 2 bờ sông, nối kết với những địa danh, địa điểm lịch sử hiện hữu, chắc chắn nội dung về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ rất phong phú và hấp dẫn đông đảo người dân. Những sản phẩm văn hóa đặc thù của vùng đất Nam bộ nói chung, TPHCM nói riêng chính là điểm nhấn, là những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM: "TPHCM chú trọng hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng. Đây là điểm mới, vừa đón đầu xu hướng cách mạng công nghệ 4.0, vừa tăng cường tương tác với nhân dân."
Lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân

- Ý kiến của người dân được quan tâm ra sao trong nhiệm vụ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thưa đồng chí?

Dự thảo Chương trình hành động về “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đang được lấy ý kiến rộng rãi, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Ngoài ra, bám sát nhu cầu thông tin, học tập, giao tiếp và trải nghiệm của người dân, chương trình hành động sẽ phát huy, làm nổi bật đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố. Chúng ta sẽ quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, chương trình nghệ thuật gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác. 

Rất mừng là chúng ta đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý rất tâm huyết từ các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cho quá trình hình thành nền tảng ban đầu của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị, chi bộ là những “mảng ghép” hình thành nên không gian văn hóa vật thể, không gian văn hóa phi vật thể, không gian văn hóa trên không gian mạng tạo bước đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục