Xây dựng kịch bản đưa lao động Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản về nước

Bộ LĐTB-XH yêu cầu Cục Việc làm xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết để quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản...
Khách từ Hàn Quốc thực hiện tờ khai y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất rạng sáng 24-2. Ảnh: THÀNH SƠN
Khách từ Hàn Quốc thực hiện tờ khai y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất rạng sáng 24-2. Ảnh: THÀNH SƠN

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số nước ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran... Bộ LĐTB-XH đã đề xuất xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường, nhất là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này.

Giám sát người về từ vùng dịch ở Hàn Quốc

Sáng 24-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, Bộ Y tế đã họp với các bộ ngành cùng các đơn vị liên quan khác để phân tích tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc và đề xuất những biện pháp kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc. Sau khi thống nhất các ý kiến, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng triển khai việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam từ 15 giờ ngày 23-2 tại tất cả cửa khẩu. Những trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch có biểu hiện sốt, ho, khó thở... sẽ được cách ly.

Đêm 23-2 rạng sáng 24-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã giám sát, thực hiện công tác kiểm dịch đối với 575 hành khách trên 5 chuyến bay từ Hàn Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tất cả hành khách phải thực hiện tờ khai y tế.

Qua đó, trung tâm phát hiện 3 trường hợp đến từ TP Daegu, Hàn Quốc. Trong đó có 1 trường hợp có biểu hiện ho, không sốt, được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để lấy mẫu xét nghiệm; 2 trường hợp còn lại không có triệu chứng bệnh lý đường hô hấp, được cách ly kiểm dịch tại Bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi. 

Cùng ngày, Sở GD-ĐT TPHCM đã có công văn khẩn gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận huyện, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc rà soát danh sách nhà giáo, học sinh có qua Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng có dịch Covid-19. Sau khi rà soát danh sách, các cơ sở giáo dục gửi báo cáo về phòng GD-ĐT 24 quận huyện để tổng hợp, báo cáo trực tuyến về Sở GD-ĐT trước 9 giờ sáng nay (25-2). Những ngày kế tiếp, các phòng GD-ĐT tiếp tục cập nhật số liệu mới và báo cáo trực tuyến về sở.

Ngày 24-2, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết, ngành y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan đón, kiểm tra sức khỏe và cách ly 80 hành khách bay từ TP Daegu (Hàn Quốc) về Đà Nẵng vào sáng cùng ngày. Trên chuyến bay VJ871 được lên kế hoạch trước khi Hàn Quốc bùng phát dịch này, có 58 công dân Việt Nam, 20 người Hàn Quốc, 2 người Thái Lan đi du lịch và 10 người thuộc tổ lái. Bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, cho biết, 20 du khách Hàn Quốc được đưa về một khách sạn ở Đà Nẵng để cách ly, theo dõi trong vòng 14 ngày. Những du học sinh, lao động người Việt Nam sẽ được đưa về Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang).

Tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam

Chiều 24-2, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ LĐTB-XH, cho biết, hiện nay tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, tình hình dịch Covid-19 có diễn biến mới rất phức tạp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường, nhất là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này.

Đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ LĐTB-XH yêu cầu Cục Việc làm xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết để quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (lưu ý lao động tại các nước mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản); thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương; số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục