Hễ nói đến đô thị hóa, không ít người nghĩ ngay đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng như mở đường,
kéo điện, xây nhà… mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề con người, nghĩa là xây dựng lối sống đô thị cho những cư dân vừa được chuyển từ nông dân thành thị dân.
Nhìn từ góc độ văn hóa, hiện tượng đô thị hóa là sự chuyển đổi từ nông thôn (với nông nghiệp làm trọng) sang thành thị (với công nghiệp, dịch vụ làm trọng), từ lối sống nông dân sang lối sống thị dân. Vì thế bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng là việc chuẩn bị cho sự chuyển đổi từ lối sống truyền thống nông thôn sang xã hội đô thị. Lối sống ở đô thị bị tác động trực tiếp, mạnh mẽ bởi các hoạt động kinh tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng phi nông nghiệp…
Còn nhớ cách đây không lâu, những nông dân quận 12, Thủ Đức nhờ tiền bán đất đã chia tay với đồng ruộng, xây nhà lầu, tậu xe máy… để thỏa mãn tiện nghi vật chất. Bây giờ gặp lại họ, ruộng không còn, nghề không có, nông dân không phải, thị dân không hẳn. Rõ ràng lỗi này không phải do họ. Trong khi đó, không ít nông dân nằm trong dự án của một khu đô thị mới tại quận 9, sau khi nhận tiền đền bù đã đem số tiền còn lại xuống Đồng Nai mua đất nông nghiệp để tiếp tục sống bằng nghề nông.
Như vậy, với không ít người dân tại các khu vực vùng ven của TPHCM, tuy đã được “nâng cấp” thành thị dân nhưng bản tính, thói quen cũng như phong cách sống của người nông dân vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm họ. Điều này góp phần lý giải tại sao hàng ngày, giữa một thành phố hiện đại nhất cả nước vẫn xuất hiện những kiểu buôn bán tự phát, lưu thông bất chấp luật lệ, xả rác, phóng uế bừa bãi…
Rõ ràng, lối sống đô thị trong một bộ phận người dân thành phố vẫn chưa hình thành. Bên cạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, việc tạo điều kiện để người dân an sinh với nghề nghiệp mới, góp phần hình thành lối sống đô thị là điều không thể thiếu.
HUỆ MINH