Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch

Thị trường vi mạch bán dẫn thế giới phát triển không ngừng, kéo theo nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tăng cao. Hiện nay, nhiều quốc gia đi đầu về vi mạch bán dẫn đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng nên đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt (thứ ba, từ trái sang) thăm Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế tại SHTP, một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực của TPHCM
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt (thứ ba, từ trái sang) thăm Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế tại SHTP, một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực của TPHCM

Đón đầu cơ hội

Đại học Quốc gia TPHCM thành lập Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) vào năm 2005 và Phòng thí nghiệm công nghệ nano (LNT), nay là Viện Công nghệ Nano (INT). Năm 2010, vi mạch bán dẫn được bổ sung vào danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2012, vi mạch được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2012, UBND TPHCM cũng ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Những động thái trên khẳng định quyết tâm phát triển ngành vi mạch Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng, đầu tư cho vi mạch đòi hỏi chiến lược lâu dài ở tầm quốc gia. Với những đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua, khó đòi hỏi hình thành nên ngành vi mạch trong một sớm một chiều. Tuy nhiên cần ghi nhận, những chính sách và chương trình phát triển vi mạch của nước ta trong thời gian qua đạt được một số kết quả, đây là tiền đề phát triển ngành vi mạch và trong đó đã hình thành nguồn nhân lực tốt cho ngành này.

Dữ liệu được công bố trên Cổng thông tin KH-CN quốc gia, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, 635 công bố quốc tế liên quan đến vi mạch. Đáng chú ý, hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TPHCM (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%)… nhưng những con số này vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là đặt trong chiến lược phát triển ngành vi mạch của Việt Nam.

“Từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc đã có chiến lược hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch, trong 10 năm tới cần 10.000 kỹ sư cao cấp nhưng năng lực đào tạo chỉ có thể cung ứng 5.000 kỹ sư; 10 năm tiếp theo cần 127.000 kỹ sư nhưng đào tạo chỉ cung ứng khoảng 50.000 kỹ sư. Một ví dụ khác cho thấy, Samsung hiện là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về công nghệ vi mạch nhưng hiện nay họ không thể cạnh tranh với các đối thủ khi họ chỉ có 10.000 kỹ sư, trong khi các đối thủ khác có đến 30.000-40.000 kỹ sư. Nguồn nhân lực vô cùng quan trọng trong ngành vi mạch và là điều Việt Nam cần đón đầu”, GS Lee Hyuk-Jae, Trưởng Khoa Điện và Kỹ thuật máy tính, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), chia sẻ.

"Những diễn tiến gần đây cho thấy Việt Nam có thể tiếp cận, phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Hiện nhiều trường đại học ở Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp cho nhiều nước. Đó là tín hiệu khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm tốt việc tạo nguồn chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn"

GS-TS ĐẶNG LƯƠNG MÔ

Tạo nguồn nhân lực chất lượng

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho biết: “SHTP đặt rất nhiều tâm huyết trong xây dựng ngành vi mạch mà bước đầu là xây dựng nguồn nhân lực. Mục tiêu đến 2030, Trung tâm đào tạo SHTP sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn”.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tháng 8-2022, Ban Quản lý SHTP đã hợp tác với Công ty Synopsys thành lập Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch SHTP - SHTP Chip Design Center (SCDC). Tháng 3-2023, Ban Quản lý SHTP cùng Công ty CP Tập đoàn Sun Electronics đã ra mắt và đưa vào vận hành Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC). Đây là 2 trung tâm quan trọng, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành vi mạch là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch.

Ngày 30-8, Công ty Synopsys Việt Nam cùng Trung tâm Đào tạo SHTP (SHTP Training Center) đã bế giảng khóa đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch (ITP) năm 2023. Khóa đào tạo ITP 2023 đã tuyển chọn được 30 học viên xuất sắc nhất trong hơn 500 ứng viên là kỹ sư vừa tốt nghiệp và sinh viên năm cuối thuộc các trường đại học. Các học viên được học và thực hành trên toàn bộ phần mềm thiết kế vi mạch theo các chương trình đào tạo toàn cầu tương đương tại Mỹ, Ấn Độ… và tiếp cận thư viện, thiết kế thực tế trong công nghiệp và quy trình thiết kế vi mạch chuyên nghiệp của Synopsys.

Cùng với thiết kế vi mạch, lĩnh vực đóng gói vi mạch (IC packaging) cũng là thế mạnh của Việt Nam với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Intel tại SHTP. Hệ sinh thái các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của nhà máy đóng gói Intel cũng từng bước được hình thành và củng cố cùng với sự phát triển của dự án Intel. Việc các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc theo Samsung vào Việt Nam như trường hợp của Công ty SNST&Finger Vina tại SHTP và CoAsia tại Hà Nội, và gần đây là các dự án nhà máy đóng gói và thử nghiệm vi mạch của Amkor tại Bắc Ninh và của Samsung tại Thái Nguyên, cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đã đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn… Nguồn nhân lực vi mạch được dự báo sẽ tiếp tục nóng lên trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục