Xây dựng nhân cách văn hóa chính trị

Thời gian qua, nhiều cán bộ từ cơ sở đến Trung ương bị kỷ luật. Điều đó cho thấy sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên không còn là hiện tượng cá biệt mà là vấn đề bức xúc hiện nay, ảnh hưởng đến uy tín hoạt động của lãnh đạo của Đảng và việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhiều cám dỗ vây quanh

Sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của những tiêu cực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự suy thoái về đạo đức không chỉ là hiện tượng thường thấy ở một bộ phận cán bộ, đảng viên quản lý cơ sở vật chất tài chính có chức, có quyền trong Đảng, Nhà nước và các đoàn thể mà còn diễn ra trong cả các lĩnh vực khác. Đó là những người có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân tư lợi, tham ô tài sản của Nhà nước và nhân dân; sống xa hoa lãng phí, buông thả; cục bộ bè phái, vô trách nhiệm trong công việc, coi thường kỷ cương phép nước, vô kỷ luật, đánh mất danh dự của tổ chức và bản thân.

Các đợt sinh hoạt chính trị góp phần bồi đắp, xây dựng nhân cách văn hóa chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ảnh: THU HƯỜNG

Các đợt sinh hoạt chính trị góp phần bồi đắp, xây dựng nhân cách văn hóa chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ảnh: THU HƯỜNG

Nguyên nhân một phần do nền kinh tế thị trường, bên cạnh những tác động tích cực của nó còn có những tác động tiêu cực tới sự phát triển nhân cách cá tính con người. Một bộ phận cán bộ, đảng viên kém vững vàng bị lôi cuốn vào mục tiêu làm giàu bằng mọi cách. Đó còn do những ảnh hưởng tiêu cực của các nền văn hóa từ bên ngoài với lối sống thực dụng tư sản, bằng nhiều con đường khác nhau thông qua quá trình mở cửa hội nhập về kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới, từng ngày từng giờ thâm nhập, thẩm thấu vào đời sống tinh thần của toàn xã hội; từng bước làm tha hóa nhân cách, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc, khống chế cán bộ, đảng viên cả về chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống. Chúng lợi dụng những khó khăn trong đời sống và những nhu cầu vật chất ngày càng cao của cán bộ, đảng viên để vừa lôi kéo, vừa kích động và cám dỗ vật chất với nhiều hình thức. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu rèn luyện, tu dưỡng là nguyên nhân chủ yếu trực tiếp dẫn đến sự sa đọa về đạo đức lối sống. Chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước còn hạn chế thì sự cám dỗ về vật chất, kích động về tư tưởng, đạo đức của các thế lực thù địch lại diễn ra hết sức tinh vi và vô cùng thâm độc.

Sự tác động tiêu cực của kẻ thù từng ngày từng giờ cũng làm thay đổi tình cảm, quan niệm đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm cho bộ phận này suy thoái về đạo đức, thậm chí là bất mãn với Đảng, Nhà nước và chế độ ta, quay sang ca ngợi, tán dương chủ nghĩa tư bản, lối sống thực dụng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái về chính trị, phai nhạt lý tưởng, thậm chí một số cán bộ, đảng viên trở thành kẻ phản bội, chuyển sang trận tuyến của kẻ địch, quay sang phá hoại tổ chức, chống phá Nhà nước, làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân.

Xây dựng bộ tiêu chí về các giá trị nhân cách

Xây dựng nhân cách văn hóa chính trị cho cán bộ, đảng viên phải trên cơ sở kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tiếp thu các giá trị mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần, đạo đức xã hội. Phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây làm chính, đề phòng các khuynh hướng “tả khuynh” hoặc “hữu khuynh”. Quá trình giáo dục, hình thành nền tảng nhân cách văn hóa chính trị mới là quá trình biện chứng, quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Những giá trị nhân cách văn hóa chính trị phải góp phần hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ cho cán bộ, đảng viên.

Để xây dựng nhân cách văn hóa chính trị cho cán bộ, đảng viên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là thông qua hoạt động giáo dục. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện qua trường lớp, qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hoạt động thực tiễn, qua sinh hoạt chính trị trong Đảng hoặc thông qua công tác thi đua - khen thưởng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Để hoạt động giáo dục có hiệu quả, cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho sát đối tượng. Có phương thức đánh giá hiệu quả, chất lượng của hoạt động giáo dục. Tránh trường hợp cán bộ, đảng viên không học hoặc nghiên cứu chiếu lệ dẫn đến nhận thức về nội dung được giáo dục không chắc, không rõ, không sâu khiến cho việc vận dụng vào thực tiễn sai lệch.

Xây dựng những giá trị tốt đẹp cho nhân cách văn hóa chính trị phải đi cùng với công tác chăm lo cho cán bộ, đảng viên trên cả phương diện đời sống vật chất và tinh thần. Cải cách chế độ tiền lương, cải thiện và nâng cao thu nhập để cán bộ yên tâm công tác. Tạo lập môi trường làm việc dân chủ, văn minh, nhân ái góp phần xây dựng điểm tựa tinh thần lành mạnh cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát để khắc phục tình trạng lạm quyền của người đứng đầu tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền khiến cho dân chủ thật sự bị bẻ cong, bóp méo thành “dân chủ trá hình”, “dân chủ hình thức”.

Công tác xây dựng Đảng nói chung, mà trước hết là công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng, còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên chưa được chú ý đúng mức. Khi có sai phạm, khuyết điểm chưa chú ý đến việc khắc phục triệt để khuyết điểm. Chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả đối với các cán bộ, đảng viên liêm khiết, tích cực đấu tranh chống tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục