Ngân hàng TMCP Á Châu

Xây dựng thương hiệu mang tầm vóc khu vực

Xây dựng thương hiệu mang tầm vóc khu vực

Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong khối các ngân hàng TMCP về tổng tài sản, quy mô hoạt động, lợi nhuận… Riêng về tốc độ tăng trưởng, ACB đạt mức cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của ngành ngân hàng Việt Nam.

  • Tăng tốc cung ứng dịch vụ
Xây dựng thương hiệu mang tầm vóc khu vực ảnh 1

Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng ACB.  Ảnh: TH.T.

Năm 2006 tổng lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 682,4 tỷ đồng, tăng 77,21% so với năm ngoái; tổng tài sản đạt 44.875 tỷ đồng, tăng 85,07%; tổng nguồn vốn huy động đạt 39.548 tỷ đồng, tăng 77,09%; tổng dư nợ đạt 17.116 tỷ đồng, tăng 78,94%. Năm qua ACB chú trọng mở rộng mạng lưới kênh phân phối để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đến nay mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ACB trên toàn quốc đã được nâng lên 80 đơn vị.

Năm trước, ACB có danh mục hơn 200 sản phẩm – dịch vụ và chỉ trong tháng 1-2007 ngân hàng đã đưa ra thêm 4 sản phẩm dịch vụ mới, được khách hàng đánh giá là một trong các ngân hàng cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng phong phú nhất dựa trên nền công nghệ thông tin hiện đại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, vừa thực hiện quản lý rủi ro hiệu quả.

Một sản phẩm gắn liền với hình ảnh và thương hiệu ACB trên thị trường nhà đất chính là các siêu thị địa ốc ACB. Thông qua các siêu thị này, ngoài việc làm cầu nối giữa người mua nhà và người bán, ACB cung cấp các dịch vụ về tư vấn, trung gian thanh toán và cho vay, giúp cho người mua lẫn người bán an toàn, thuận tiện, giúp nhiều người dân có cơ hội sở hữu nhà. Với hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền được xử lý nhanh chóng, chính xác và an toàn với nhiều tiện ích cộng thêm cho khách hàng.

Thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ và vàng là những mảng kinh doanh truyền thống của ACB từ nhiều năm nay. ACB đang từng bước giới thiệu các sản phẩm phái sinh cho thị trường. Danh mục các sản phẩm phái sinh ACB cung cấp bao gồm: mua bán ngoại tệ giao ngay hoặc có kỳ hạn, quyền chọn mua bán ngoại tệ và vàng. Với nguồn vốn huy động khá lớn, ACB tham gia đấu thầu và mua các loại trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu đô thị với doanh số hàng ngàn tỷ đồng.

Các hoạt động này góp phần làm tăng thu nhập đáng kể cho ACB. ACB cũng thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Công ty Chứng khoán ACBS. Chất lượng các sản phẩm dịch vụ của ACB được các khách hàng đón nhận và được nhiều tổ chức trong và ngoài nước bình bầu, đánh giá cao qua các năm.

  • Chiến lược phát triển

Bước sang năm mới, ACB đặt ra kế hoạch sẽ nâng vốn điều lệ nâng lên 2.536 tỷ đồng; tổng tài sản lên mức 60.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay phải đạt 24.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 1.205 tỷ đồng; và phấn đấu chia cổ tức 40,9 %. Ngân hàng đang xây dựng mạng lưới phát triển rộng hơn, với 100 đơn vị mới tại những địa phương trọng yếu trong cả nước. Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB, cho biết ngân hàng sẽ tập trung phát huy những lợi thế sẵn có để thực hiện chiến lược phát triển mới là dần hình một tập đoàn tài chính với hoạt động ngân hàng là chủ lực.

Mục tiêu của ACB là tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu của ngành ngân hàng Việt Nam trong 5 năm tới ở các chỉ tiêu: tăng trưởng cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành; chỉ số tài chính duy trì ở mức an toàn cao, trong đó ROE cần đạt 25% đến 30%; chất lượng tài sản có, quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế; có hệ thống sản phẩm và kênh phân phối đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt; nâng cao quy mô tổng tài sản và dần rút ngắn khoảng cách với các ngân hàng quốc doanh…

Trong bối cảnh mới của đất nước, mục tiêu phục vụ của ACB là hướng tới các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi các thành phần kinh tế này có tiềm năng phát triển mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, tổng nguồn huy động của ACB sẽ đạt 9-10 tỷ USD, đòi hỏi một nguồn vốn tối thiểu (để đảm bảo hệ số an toàn vốn CAR = 8%) đối ứng là vào khoảng 6.600 tỷ đồng (trên 400 triệu USD). Điều này tương đương với quy mô vốn của một ngân hàng khu vực, giúp ACB có đủ năng lực cạnh tranh sau khi ngành tài chính ngân hàng Việt Nam hoàn toàn mở cửa.

Trong thời gian tới ACB sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm ngân hàng truyền thống, các kênh phân phối đa dạng phù hợp với nhu cầu ngày càng cao và phức tạp của khách hàng. Việc mua lại hoặc hợp nhất với định chế tài chính khác đã có sẵn thị phần, mạng lưới, cơ sở khách hàng cũng là mục tiêu của ACB nhằm đạt bước phát triển nhảy vọt trong tăng trưởng cả về chất và lượng. ACB cũng sẽ xây dựng liên minh với các đối tác chiến lược là các định chế tài chính - phi tài chính khác có cơ sở hạ tầng tốt, tạo bước đột phá mới để thực sự trở thành một ngân hàng thương mại quy mô ngang tầm khu vực.

THANH THIÊN

Tin cùng chuyên mục