Xây dựng thủy điện ở lưu vực sông Đồng Nai - Dừng hay tiếp tục?

Phản hồi loạt bài “Thảm họa” thiếu điện

Với tình trạng các hồ thủy điện đang thiếu nước để phát điện như loạt bài “Thảm họa” thiếu điện đã nêu, việc xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện làm mất nhiều diện tích rừng dẫn tới việc tích tụ nước sẽ giảm đi, gây xáo trộn môi trường, tác động xã hội như thế nào. Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi đăng tải một số ý kiến về vấn đề này.

  • Phó Trưởng ban Quản lý Dự án điện 6 Phạm Văn Cúc: Không nên làm thủy điện bằng mọi giá

Đối với hệ thống sông Đồng Nai không nên tiếp tục làm thủy điện. Bởi đến nay các bậc thang trên hệ thống dòng sông này gần như đã khai thác hết. Dẫu biết các tỉnh đều mong muốn phát triển kinh tế nhưng không nên làm bằng mọi giá. Vì khi phát triển các thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ cũng phải phá rừng để làm hạ tầng, xây dựng công trình… dẫn đến tàn phá môi trường, tạo ra đồi trọc, từ đó dẫn đến nguồn nước ngầm ngày càng giảm. Chưa kể, nhiều thủy điện quy hoạch trên hệ thống sông Đồng Nai đúng vào những khu bảo tồn hay khu dân cư đông đúc. Đây là một bài toán cần xem xét. Trong khi đó, thực tế những thủy điện nhỏ khi đưa vào khai thác cũng không hiệu quả.

  • Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện Hoàng Hữu Thuận: Giám sát chặt công tác thi công

Việc phát triển nhiều thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai sẽ không mang lại hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian qua nhiều nhà đầu tư khi xây dựng thủy điện đã tàn phá môi trường, không theo quy tắc, gây ảnh hưởng đến hạ lưu. Với các thủy điện có công suất lớn nằm trong quy hoạch như: Thủy điện 5, 6 trên hệ thống sông Đồng Nai cần xem xét kỹ, cần thiết nên dừng vì ảnh hưởng đến khu rừng bảo tồn Nam Cát Tiên. Ngay cả thủy điện 7, 8 cũng đang xem xét đề xuất bỏ vì tính khả thi không cao của dự án. Đối với các thủy điện nhỏ do địa phương quy hoạch, chỉ nên làm những nơi đã có hạ tầng, bởi nếu phá rừng để làm bằng mọi giá, khi đưa vào khai thác cũng không hiệu quả về mặt kinh tế. Về thủy điện nói chung và hệ thống thủy điện được quy hoạch trên hệ thống sống Đồng Nai nói chung khi xây dựng phải xem xét ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường. Đặc biệt, phải quản lý chặt công tác thi công. Bởi thực tế, đây là công đoạn phá hoại nhiều nhất do công tác quản lý hiện nay khá lỏng lẻo. Mặt khác, phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường đặc biệt là ảnh hưởng đến phía hạ lưu.

  • Chủ tịch Hội Năng lượng mới các nước sông Mekong Trịnh Quang Dũng: Dừng ngay các dự án thủy điện

Các nước tiên tiến trên thế giới đã không làm thủy điện cách nay 10 năm rồi. Tác hại của việc làm thủy điện vô cùng lớn: là loại năng lượng tàn phá môi trường, gây biến đổi sinh thái tiểu khu vực, thay đổi thảm thực vật… nên xếp vào loại không thân thiện, ở mức độ hủy hoại. Nếu nhìn vào việc xả lũ trong thời gian qua gây chết người, mất tài sản đủ để thấy mức độ nghiêm trọng của thủy điện như thế nào. Mặt khác, việc làm thủy điện cũng dẫn tới việc xâm nhập nước mặn sâu vào hạ lưu, như trường hợp thủy điện Trị An làm mất rất nhiều diện tích ruộng lúa nước ở khu vực duyên hải. Theo quan điểm của tôi, không nên tiếp tục làm thủy điện nữa, mà phải dừng ngay, không chỉ hàng chục thủy điện chi chít ở lưu vực sông Đồng Nai mà hàng loạt thủy điện ở khắp cả nước cũng vậy.

Thực tế cơ cấu thủy điện của Việt Nam chiếm tỷ lệ đến 40% trong các nguồn cung cấp điện, nhưng phát triển thủy điện không bền vững, làm ra rồi thì không có điện, vì diện tích rừng bị mất nên không có nước. Do đó, phải bỏ khái niệm thủy điện “rẻ”, bởi vì chúng ta không tính hết tác động của nó. Hiện nay chất lượng thủy điện trôi nổi, mạnh ai nấy làm, không quản lý, chẳng hạn như diện tích hồ đập lớn nhỏ tùy ý, phần lớn thiết bị lại mua của Trung Quốc; ngay cả các nhà khoa học cũng không tính hết hệ lụy của thủy điện. Do đó, muốn có ngành năng lượng ổn định theo tôi phải có chiến lược phát triển năng lượng cụ thể, tiêu chí rõ ràng.

Lương Thiện - Lạc Phong

Phản hồi loạt bài “Thảm họa” thiếu điện

- Cải tổ đồng bộ ngành điện

- Kìm hãm tăng trưởng

- Loạt bài “Thảm họa” thiếu điện

Tin cùng chuyên mục