Xây dựng tổ chuyên môn về georadar

Trong vòng 4 tháng (từ tháng 2 đến 6-2011), PGS-TS Nguyễn Thành Vấn (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) đã hoàn thành đề tài “Xây dựng quy trình vận hành thiết bị, thu thập, xử lý, minh giải, số liệu georadar để xác định các hố ngầm và một số công trình ngầm trên địa bàn TPHCM”.

(SGGP).- Trong vòng 4 tháng (từ tháng 2 đến 6-2011), PGS-TS Nguyễn Thành Vấn (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) đã hoàn thành đề tài “Xây dựng quy trình vận hành thiết bị, thu thập, xử lý, minh giải, số liệu georadar để xác định các hố ngầm và một số công trình ngầm trên địa bàn TPHCM”.

Đề tài này xuất phát từ thực tế địa bàn TPHCM liên tục xảy ra hiện tượng đất bị sụp lún, tạo ra các hố sâu có hàm ếch rộng trên nhiều tuyến đường, gây lo lắng cho người tham gia giao thông. UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan vào cuộc nhằm tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tìm cách phát hiện sớm các hố ngầm này, phòng ngừa các tai nạn không đáng có.

Vào đầu năm 2011, các chuyên gia Việt Nam kết hợp với chuyên gia nước ngoài tiến hành sử dụng những radar xuyên đất (georadar) như Pulse Ekko (Canada), Ramac/GPR (Thụy Điển)... dò tìm các hố ngầm và công trình ngầm ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố, bước đầu thu được kết quả khả quan. Tuy vậy, thực tế đặt ra cần có một cơ sở lý thuyết giúp vận hành nhiều thiết bị radar khác nhau, đồng thời phải có mô hình chuẩn để minh giải nhanh chóng các kết quả mà máy radar hiển thị. Sở KH-CN giao cho bộ môn Vật lý địa cầu, Trường ĐH Khoa học tự nhiên xây dựng đề tài trên, tạo điều kiện áp dụng nhanh chóng radar xuyên đất vào việc phát hiện hố ngầm, công trình ngầm trên địa bàn thành phố.

Tại buổi nghiệm thu đề tài vào sáng 21-6, PGS-TS Nguyễn Thành Vấn, chủ nhiệm đề tài, cho biết đã xây dựng đầy đủ cơ sở lý thuyết giúp vận hành dễ dàng các thiết bị georadar vào loại tốt nhất hiện nay. Ngoài ra, còn xây dựng được 20 mô hình cho việc minh giải các số liệu từ radar. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, do môi trường địa chất gần mặt đất ở TPHCM ngấm nước, độ dẫn điện cao nên độ sâu khảo sát bằng thiết bị georadar bị hạn chế. Để việc khảo sát phát hiện sớm các hố ngầm, công trình ngầm cần sử dụng radar có tần số anten 100, 200, 500 và 700 MHz tùy độ sâu nghiên cứu.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu đề tài cho rằng, thành công của đề tài đòi hỏi Sở GTVT TP cần nhanh chóng xây dựng một tổ chuyên môn về georadar để sử dụng hiệu quả công trình nghiên cứu này. Đây cũng là cơ sở để Sở GTVT giải bài toán về lựa chọn 2 thiết bị georadar cần mua sau khi được UBND TP chấp thuận.

T.HÂN

Tin cùng chuyên mục