Bằng nguồn vốn kích cầu, nhiều dự án xây dựng trường mầm non (MN) tưởng chừng bị đóng băng đã được giải quyết thấu đáo. Đây là tín hiệu đáng mừng từ chủ trương đúng đắn của TP.
Tín hiệu mới
Sau một thời gian dài bỏ trống, năm 2002, UBND quận 5 đã mạnh dạn giao khu đất rộng hơn 1.600m2 trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) để xây dựng trường MN theo chuẩn quốc gia với kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy học là 4,1 tỷ đồng (vay từ Quỹ đầu tư phát triển đô thị TPHCM, thời hạn trả nợ trong vòng 8 năm).
Nhớ lại quyết định táo bạo này, cô Vũ Thị Xuân Liên, Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh (quận 5) nói: “Ngày đầu nhận quyết định về làm hiệu trưởng, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi trong tâm trạng đầy lo lắng vì mô hình này quá lạ lẫm, lại phải gồng gánh để trả lương cho cán bộ, giáo viên của trường…”.
Theo cô, có khá nhiều rắc rối xảy đến với chủ trương “kích cầu” mới mẻ. Như những ngày đầu chiêu sinh, nhiều phụ huynh dọa đi kiện với thắc mắc: Tại sao ngoài khoản học phí 200.000 đồng/tháng/HS mẫu giáo và 250.000 đồng/tháng/HS nhà trẻ, trường còn thu thêm khoản tiền xây dựng trường (còn gọi là tiền kích cầu) là 100.000 đồng/tháng!
Ngoài ra, còn khá nhiều ý kiến phản bác như: “Chúng tôi sẽ đóng góp cùng nhà trường trả nợ cho nhà nước. Vậy sau khi trả nợ xong, chúng tôi phải được chia lợi nhuận từ nhà trường chứ?” hoặc: “Làm như thế này xem như nhà nước “khoán trắng” cho người dân”... Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà trường đã đưa ra hàng loạt những biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS.
Cụ thể, phụ huynh có thể đưa đón con em trễ hơn giờ quy định; buổi trưa trước khi đi ngủ HS sẽ được tắm (có máy nước nóng lạnh) để ngủ ngon hơn; mỗi lớp có từ 2-3 giáo viên và 1 nhân viên vệ sinh; giáo viên không được đánh trẻ... đã thực sự thuyết phục được lòng tin của phụ huynh. Bên cạnh đó, nhà trường rất hạn chế các khoản thu của phụ huynh.
Chỉ sau một học kỳ, số HS ở Trường MN Vàng Anh đã tăng lên 700 em - một con số ngoài sức tưởng tượng. Và chỉ sau 5 năm hoạt động, MN Vàng Anh đã hoàn vốn cho nhà nước trước thời hạn 3 năm (theo đề án là 8 năm). Quan trọng hơn là phụ huynh học sinh không phải đóng khoản tiền kích cầu 100.000 đồng/tháng nữa.
Điều đáng nói ở những ngôi trường xây dựng từ nguồn vốn kích cầu là dù tự thu chi nhưng những năm qua chế độ chính sách của giáo viên không những được đảm bảo như trường công lập mà luôn ở mức cao hơn. Lương trung bình mỗi giáo viên từ 3,4 - 5,4 triệu đồng/tháng.
Nhân rộng mô hình
Theo đánh giá của TPHCM và Bộ GD-ĐT, Trường MN Vàng Anh là một trong những ngôi trường thực hiện xã hội hóa thành công. Không chỉ trả nợ trước thời hạn, MN Vàng Anh còn tạo được uy tín đối với phụ huynh học sinh và được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Mức thu của MN Vàng Anh cũng cận kề với mức thu của trường công lập nên có lúc trường “quá tải”, không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh.
Trong bối cảnh thiếu trường MN, nhiều trường công xuống cấp, quy mô nhỏ hẹp nên việc xây dựng trường bằng nguồn vốn kích cầu là điều cần thiết. TP nên tạo điều kiện bằng cách cho phép nhà trường được tự chủ về thời gian trả nợ. Ví dụ ở khu vực dân cư mà phụ huynh học sinh có khả năng đóng tiền kích cầu 50.000 đồng/tháng thì nhà trường được vay vốn với thời gian tương đương.
Bà Phan Thị Phượng, Trưởng phòng Giáo dục quận 6 cho biết: “Cuối năm nay, quận 6 sẽ khởi công xây mới Trường MN Rạng Đông 10, nguồn vốn kích cầu chiếm 30 % và 70% của nhà nước. Khi trường xây dựng xong, học phí sẽ thu theo học phí trường công lập”.
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Mấy năm qua, các dự án xây trường hầu như đóng băng. Vì thế, để giải quyết chỗ học cho trẻ cần phải có sự chung tay theo kiểu “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Địa phương cần mạnh dạn hỗ trợ, khuyến khích các trường nhân rộng mô hình này để cùng đạt mục tiêu duy nhất là có thêm nhiều chỗ học tốt cho trẻ”.
LÊ LINH