
UBND TPHCM vừa phê duyệt dự án đầu tư 1.680 xe buýt mới trong thời gian từ nay đến năm 2017. Theo nhiều chuyên gia về vận tải, đây là quyết định rất quan trọng trong việc nâng chất hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Xe buýt nhỏ thích hợp lưu thông trên nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Giảm xe buýt lớn
- Phóng viên: Thưa ông, một trong những bất cập trong đầu tư xe buýt tại TPHCM là đầu tư quá nhiều xe buýt lớn trong khi đa phần đường giao thông lại có chiều rộng mặt đường nhỏ. Trong nhiều trường hợp xe buýt đã trở thành một trong những nguyên nhân gây kẹt xe… Thành phố đã phải cắt nhiều chuyến xe buýt trong giờ cao điểm ở một số nơi để xử lý bất cập này. Trong đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới, số lượng xe buýt lớn vẫn chiếm tới khoảng 1/3: 560 xe/1.680 xe. Vì sao?
>> Ông DƯƠNG HỒNG THANH: Xe buýt lớn với sức chở lớn vẫn rất cần thiết để hoạt động trên các tuyến trục. Đa phần các tuyến trục của xe buýt trùng hợp với các tuyến đường giao thông chính, có chiều rộng mặt đường lớn nên hoạt động của loại xe buýt này không ảnh hưởng lớn đến giao thông. Do đó, trong đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới, Sở Giao thông Vận tải vẫn đề xuất đầu tư 560 xe buýt lớn.
Đây là con số được đưa ra trên cơ sở tính toán nhu cầu giao thông cơ bản trên các tuyến trục. Tình trạng “xe buýt lớn, đường nhỏ” xảy ra chủ yếu ở các tuyến nhánh. Rút kinh nghiệm từ đề án đổi mới 1.318 xe buýt từ hơn 10 năm trước đây với hơn 50% là xe buýt lớn, tức có khoảng 700 xe buýt lớn, thì việc giảm xuống còn 560 xe buýt lớn trong đề án lần này, đã có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế giao thông thành phố.
- Một bất cập khác của xe buýt TPHCM là sàn cao nên không thuận tiện cho hành khách lên xuống như xe buýt sàn thấp của nhiều nước trên thế giới, khí thải của xe không theo một tiêu chuẩn nào (khí thải của xe buýt TPHCM là nguồn gây ô nhiễm lớn cho không khí của thành phố)… đề án đổi mới xe buýt lần này có khắc phục được những bất cập trên?
Hệ thống đường tại TPHCM có những đặc điểm riêng, buộc xe buýt TPHCM phải điều chỉnh cho phù hợp. Ở các quận, huyện ngoại thành hệ thống đường thường xuyên bị ngập, bị đào xới để sửa chữa, để lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, điện thoại, dây điện các loại…, không những thế, nhiều đường dẫn lên cầu trên các tuyến đường này còn bị lún, cao độ vênh so với mặt cầu nên sàn xe buýt hoạt động tại đây phải cao để đảm bảo an toàn cho xe và cả hành khách.
Riêng đối với khu vực nội thành, hệ thống đường tương đối tốt, ít bị ngập có thể sử dụng xe sàn thấp. Tuy nhiên, đối với xe sử dụng khí CNG làm nhiên liệu, buộc phải có chỗ dưới gầm để đặt các bình khí nên cân đối hai đặc điểm này, sàn xe trong nội thành sẽ được sản xuất cao khoảng 70cm. So với những xe buýt hiện hữu, mức này đã thấp hơn khoảng 25cm.
Về khí thải của xe, đối với xe sử dụng khí CNG, không phải lo lắng bởi khí thải của loại xe này không có các chất độc hại, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xe sử dụng xăng, dầu làm nhiên liệu sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3. Hiện nay, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, xe sản xuất từ năm 2014 trở đi phải theo tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Tuy nhiên, do đề án đầu tư mới 1.680 xe buýt đã được triển khai xây dựng cách nay hơn 2 năm nên có chênh một chút so với quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về việc này.
Kết nối xe buýt, metro, BRT
- Những bước tiếp theo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt là gì, thưa ông?
Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang và sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh lại mạng lưới xe buýt sao cho người dân có thể tiếp cận mạng lưới xe buýt một cách dễ dàng, thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ nghiên cứu triển khai một số bãi giữ xe 2 bánh miễn phí tại các trạm, điểm dừng đậu xe buýt lớn để người dân có thể gửi xe gắn máy 2 bánh ở đây, chuyển sang dùng xe buýt. Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng sẽ nghiên cứu cho xe buýt chạy 2 chiều vào những đoạn đường mà chỉ cho ô tô chạy 1 chiều.
Tất nhiên, diện tích mặt đường tại các đoạn này phải đủ lớn để xe buýt hoạt động thuận lợi, an toàn và người dân cũng dễ dàng tiếp cận xe buýt. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của xe buýt là những công việc tiếp theo khác mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ làm để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải TPHCM, tuổi đời hoạt động của xe khách là 17-20 năm (tùy loại xe). Thời gian khấu hao xe buýt của dự án đầu tư mới 1.680 xe buýt của TPHCM là 10 năm. Trong khi đó, theo kế hoạch của thành phố, đến năm 2017 - 2018 tuyến metro đầu tiên cũng như tuyến BRT (loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, sử dụng làn đường dành riêng trên hệ thống đường bộ hiện hữu để đi) đầu tiên sẽ đi vào hoạt động. Như vậy, ít nhất thời gian “giao thoa” của dự án đổi mới xe buýt với thời điểm đi vào hoạt động của metro và BRT cũng gần 10 năm. Trong dự án đổi mới xe buýt nêu trên, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã tính toán đến sự phối hợp hoạt động của các loại hình vận tải này, nhằm đem đến hiệu quả tốt nhất cho hệ thống vận tải hành khách công cộng thành phố chưa?
Về nguyên tắc, hệ thống vận tải hành khách công cộng gồm nhiều loại hình vận tải khác nhau như metro, BRT, xe buýt… và được “phân vai” tùy theo năng lực và nhu cầu thực tế. Riêng đối với TPHCM, cho đến năm 2020, thậm chí 2025, hoạt động của xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực trong toàn bộ hoạt động của hệ thống vận tải công cộng bởi cho đến năm 2017 - 2018 mới có tuyến metro đầu tiên, tuyến BRT đầu tiên… chưa đủ để hình thành một mạng lưới như yêu cầu.
Chính vì điều này, song song với việc đầu tư hệ thống metro, BRT và xe buýt, lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Giao thông Vận tải TPHCM, các ban quản lý đầu tư metro và BRT phối hợp xây dựng đề án có tên: giao thông đô thị bền vững. Nội dung chủ yếu của đề án này là xây dựng các hình thức kết nối giao thông giữa metro, BRT, xe buýt thậm chí cả xe taxi và người đi bộ… để người dân thành phố có thể sử dụng một cách thuận tiện, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đề án sẽ được hoàn thành và triển khai phù hợp với tiến độ hình thành các tuyến metro, BRT.
- Cảm ơn ông!
| |
NGUYỄN KHOA (thực hiện)