Một thực tế đang âm thầm xảy ra tại TPHCM: từ đầu năm đến nay, hơn một trăm xe buýt các loại đã chuyển hệ sang thành phương tiện khác và cũng ngần ấy xe buýt đang lăm le muốn “dứt áo ra đi”. Tại sao?
Rơi rụng vì bão giá
Mới đây, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 10, Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TPHCM (LHHTXVT TP) - một trong số ít những đơn vị hoạt động ngành buýt chủ lực tại thành phố - đã bị “rút ruột” 3 chiếc xe buýt loại 44 chỗ. Đó là các chiếc xe buýt biển số 53N-6840, 53N-7065 và 53N-8724. Các chiếc xe buýt này bị chủ sở hữu rút ra khỏi LHHTXVT TP, đem bán cho các khách hàng ở phía Bắc và miền Trung để sử dụng vào mục đích khác được cho là hiệu quả hơn chạy xe buýt!
Tính từ đầu năm đến nay, LHHTXVT TP đã bị mất đi ngót nghét chục xe buýt kiểu như vậy. Theo xác nhận của Tổng Giám đốc LHHTXVT TP Phùng Đăng Hải, hiện liên hiệp vẫn còn ít nhất 8 chiếc xe buýt nữa đang được chủ sở hữu đề nghị cho phép được bán, tức xin rút khỏi địa hạt hoạt động xe buýt. Trong khi đó, thống kê mới nhất từ Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho thấy, suốt từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 10 qua, phương tiện xe buýt đã có nhiều biến động, bị tụt giảm mất 124 chiếc các loại, chủ yếu là xe loại 12 chỗ.
Lỗ lã triền miên, lỗ lã nặng nề” là câu trả lời chung nhất, giải thích cho hiện tượng rơi rụng không kèn không trống của hàng trăm xe buýt nêu trên. Dân trong nghề phân tích rằng tính tới thời điểm hiện nay, tình trạng giá cả thị trường biến động mạnh và liên tục đã tác động nghiêm trọng đến túi tiền, nồi cơm của những người lựa chọn hoạt động trong địa hạt xe buýt. Bởi vì hiện nay, tất cả các loại vật tư phụ tùng thay thế cho xe buýt đều đã bị trượt giá 20% - 30% so với cách đây 1 - 2 tháng. Hồi tháng 9, một bộ săm lốp Nhật còn có giá 12 triệu đồng thì đến đầu tháng 11 đã vọt lên thành 16 triệu đồng. Tương tự, bình điện xe buýt tăng giá 25%; piston, bạc đạn tăng 20% - 25%; tiền công thợ làm đồng, thợ sơn xe buýt đang từ 150.000 đồng/ngày/người đã tăng lên thành 200.000 đồng.
Một tài xế xe buýt có bề dày thâm niên ví von một cách chua xót, thời gian qua những người vẫn cầm cự, bám trụ với nghề đều giống như con thằn lằn đang tự ngoạm dần đuôi của mình! Hình ảnh ví von đó gián tiếp được Tổng giám đốc Phùng Đăng Hải xác nhận khi ông tiết lộ rằng, trước tình cảnh bức xúc của hầu hết chủ xe, liên hiệp buộc phải chọn giải pháp “chữa cháy” là hoàn trả 30% trong số tiền 100 triệu đồng mà trước kia các chủ xe đã thế chấp khi nhận xe. “Chúng tôi chỉ còn biện pháp duy nhất này để hỗ trợ các chủ xe cầm cự trong khi chờ đợi biện pháp cứu vãn từ các cấp thẩm quyền”, ông Hải nói thêm.
Quy về bài toán trợ giá
Có thể khái quát những khó khăn chính mà các đơn vị vận tải hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM đang đối mặt, đó là thu không đủ bù chi, không có khả năng trả nợ cho Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước vì khoản vay đầu tư phương tiện…
Theo ông Phạm Đình Thi, Chủ tịch Hiệp hội Xe buýt TPHCM, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là do khâu trợ giá còn nhiều tồn tại. Trước hết là sự lạc hậu về mức trợ giá, bởi vì mức trợ giá hiện nay vốn được Sở Giao thông Vận tải đặt hàng Viện Kinh tế khảo sát tính toán trên mặt bằng giá của năm… 2007.
Không những lỗi thời, mức trợ giá năm 2010 lại chưa được tính đúng tính đủ. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, do tiền ngân sách cấp cho hoạt động xe buýt thành phố chỉ có 700 tỷ đồng nên hiện nay việc tính toán mức trợ giá để ký hợp đồng đặt hàng cho các đơn vị theo hướng phân bổ. Vì vậy, mặc dù TPHCM đã ban hành đơn giá mới theo Quyết định 77/2009/QĐ-UBND nhưng tiền trợ giá nhận được của các đơn vị còn thấp hơn Quyết định 44/2008/QĐ-UBND, chỉ vì chưa được tính đúng tính đủ khi có sự thay đổi giá nhiên liệu tăng theo từng thời điểm so với Quyết định 77, và tiền lương tối thiểu tăng từ 800.000 đồng lên 980.000 đồng theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30-9-2009 áp dụng từ 1-1-2010.
Bởi vì nếu tính đúng, tính đủ theo giá nhiên liệu và tiền lương hiện nay thì tổng tiền trợ giá năm 2010 theo Quyết định 77 cho toàn hệ thống các tuyến buýt, ngoại trừ các tuyến buýt đấu thầu, tuyến đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân, phải hơn 969 tỷ đồng. Chưa hết, thực tế Nhà nước vẫn mới chi trả 50% cho khoản chênh lệch giá nhiên liệu và tiền công, vẫn còn đang nợ hơn 390 tỷ đồng, trong đó riêng tiền nhiên liệu và trợ giá chưa được cấp đủ là 281 tỷ đồng. Tổng giám đốc Phùng Đăng Hải cho biết khoản nợ trợ giá mà Nhà nước đang thiếu LHHTXVT TP là 31 tỷ đồng.
Những người trong cuộc cho rằng, cấp thẩm quyền chỉ có hai chọn lựa để duy trì sự hoạt động bình ổn của xe buýt thành phố: hoặc tăng mức trợ giá tương ứng với mức độ trượt giá trong thực tế, hoặc phải cho tăng giá cước vận tải xe buýt mà hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay là tăng thêm 1.000 đồng/lượt vé. Trên thực tế, khả năng Nhà nước tăng trợ giá có tính khả thi hơn, bởi vì hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vốn được chính quyền thành phố xác định là hoạt động chiến lược và giá xe buýt phải được kìm giữ ở mức bình ổn.
THIỆN NHÂN