Hiện ở TPHCM đang có 3.225 xe buýt đang lăn bánh phục vụ nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt loại trên 38 ghế với 1.284 chiếc, tiếp đến là xe loại 26-38 ghế với 883 chiếc. Trong số 3.225 xe buýt ấy, có 1.827 xe buýt nằm trong 4 dự án được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, chiếm tỷ lệ 56,7% số phương tiện, còn lại là xe buýt do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hợp tác xã đầu tư. Trong 4 dự án nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, có dự án 1.318 xe buýt; dự án 400 xe chuyên đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân; dự án hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 330/2003/QĐ-UBND gồm 109 xe, và cuối cùng là hỗ trợ đầu tư 2 xe buýt hai tầng.
Các xe buýt nằm trong dự án 1.318 chiếc đã hoạt động ròng rã 7 năm không ngừng nghỉ, đến nay rất nhiều xe buýt thuộc dự án này đã bắt đầu xuống cấp, đặc biệt những chủng loại xe buýt có chất lượng không cao và sắp hết niên hạn sử dụng như Hyundai, Asia... Theo ước tính ban đầu của các chuyên viên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2012, địa bàn thành phố tính ra cần đầu tư đổi mới hơn 300 xe buýt, bao gồm 179 xe buýt loại B40, 73 chiếc loại B47 và 77 chiếc loại B80 (46 ghế).
Kinh phí đầu tư cho số xe này ước khoảng hơn 250 tỷ đồng, trong đó năm 2010 dự kiến cần nhiều vốn đầu tư nhất với hơn 89 tỷ đồng.
Thế nhưng vấn đề mấu chốt có lẽ là ở cơ chế hỗ trợ lãi vay từ Nhà nước sẽ như thế nào để xã viên các hợp tác xã vận tải xe buýt yên tâm, mạnh dạn đổi mới phương tiện. Trong Quyết định số 87/2003/QĐ-UB ngày 20-5-2003 của UBND TPHCM về quy chế quản lý việc vay vốn, trả nợ vay, hỗ trợ lãi vay của các dự án thuộc chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố, nhà đầu tư xe buýt chỉ phải trả lãi vay với lãi suất 3%/năm, còn lại sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Trên thực tế, tình hình lãi suất cho vay của ngân hàng thường xuyên biến động với biên độ lớn như thời gian qua, hiện con số đó là 7%/năm đối với lãi suất huy động và 10,5% nếu là lãi suất cho vay.
Chính những diễn biến này mà đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng thành phố nên hỗ trợ một phần lãi suất vay cố định là 7,5% và nhà đầu tư chịu phần chênh lệch. Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng đó là điều cần thiết để thống nhất phần chi trả của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại vốn dĩ đa phần xã viên các hợp tác xã vận tải xe buýt có khó khăn về tài chính. Được biết, đề án đầu tư thay thế xe buýt này đang được Sở GTVT TPHCM khẩn trương soạn thảo
THIỆN NHÂN