
Trong vòng 3 tuần, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ban An toàn giao thông TPHCM đã liên tiếp tổ chức hai hội thảo liên quan đến quy hoạch bến xe khách và chống “xe dù, bến cóc” nhằm tìm ra giải pháp khả thi để lập lại trật tự an toàn vận tải. Vấn đề không mới nhưng luôn có tính thời sự bởi hàng chục năm qua, mặc cho những nỗ lực xử lý của các cơ quan chức năng, “xe dù, bến cóc” vẫn tồn tại…

Xe khách hoạt động tuyến Bến xe Trà Vinh - Bến xe Miền Tây đón trả khách trên đường Trần Phú, quận 5 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
“Cuộc chiến”… bất phân thắng bại
“Xe dù, bến cóc” xuất hiện ở TPHCM đã gần 40 năm. Ban đầu chỉ là những xe đơn lẻ “tranh thủ” đón khách ở ngoài bến nhưng hiện nay đã có nhiều đơn vị vận tải có tên tuổi tham gia như Phương Trang, Thành Bưởi… Ngày trước “xe dù” đón khách lén lút, còn nay đón khách công khai. Muốn đi Đà Lạt, hành khách ở TPHCM chỉ cần đến đường Lê Hồng Phong, quận 10, cách trụ sở của Thanh tra Giao thông TPHCM vài căn nhà là có thể mua vé của hãng vận tải Thành Bưởi và…ung dung ngồi đợi xe đến đón.
Theo các quy định về vận tải, các doanh nghiệp vận tải có thể mở điểm bán vé và đón khách trong nội đô nhưng phải dùng xe trung chuyển nhỏ vào đón khách rồi chở ra bến xe để chuyển sang xe lớn mới bắt đầu hành trình của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hãng vận tải vẫn đưa xe lớn, xe chính thức chạy các tuyến liên tỉnh vào nội thành đón khách…
Ngành GTVT nói chung và TPHCM nói riêng đã áp dụng rất nhiều biện pháp để chống “xe dù, bến cóc”. Biện pháp “cứng” là thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông, chính quyền các địa phương tổ chức truy quét “xe dù, bến cóc”. Xe khách đưa đón khách sai địa điểm quy định có thể bị phạt tiền và tạm giữ phương tiện tùy mức độ sai phạm. Biện pháp “mềm” là trong một số dịp đặc biệt như tết, lễ, Sở GTVT TPHCM cho xe vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, ký túc xá sinh viên trong nội thành để đón khách. Thế nhưng “xe dù, bến cóc” vẫn tồn tại… Và mới đây ngành GTVT lại có chủ trương “hợp pháp hóa” một số “bến cóc, xe dù”… “nếu hợp lý”. Đây là quyết định được đánh giá “cực kỳ mềm dẻo” như lời một chuyên viên vận tải phân tích.
Ưu tiên hành khách hay trật tự đô thị?
Từ tháng 8-2014, thực hiện chủ trương nêu trên, Sở GTVT TPHCM chỉ đạo hai bến xe khách liên tỉnh miền Tây và miền Đông cùng một số đơn vị vận tải khảo sát một số điểm có thể bố trí điểm đón trả khách (ngoài 2 bến xe trên), trong đó có cả một số điểm là “bến cóc”, thường xuyên có “xe dù” vào đón, trả khách. Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, các đơn vị trên đã xác định được một số điểm có thể đón trả khách và đang đề nghị Sở GTVT TPHCM xem xét.
Từ đó đến nay, gần một năm trôi qua nhưng nhiều đơn vị vận tải vẫn chưa nhận được hồi âm của Sở GTVT TPHCM. Theo một cán bộ của Sở GTVT, vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhiều điểm đón, trả khách mà các đơn vị vận tải và bến xe đề xuất lại không có trong quy hoạch phát triển đô thị, thậm chí cả trong quy hoạch phát triển hệ thống GTVT TPHCM.
Chính vì vậy, mặc dù đã có chủ trương của ngành giao thông, cho phép hình thành một số điểm dừng, đón trả khách trên đường (ngoài các bến xe) nhưng Sở GTVT TPHCM vẫn chưa gút được. Thực tế này không chỉ xảy ra ở TPHCM mà như chính một cán bộ của Bộ GTVT cho biết trong hội thảo về quy hoạch bến xe khách, nhiều địa phương cũng gặp những vướng mắc tương tự.
Chưa kể, quan điểm của nhiều cán bộ ngành quy hoạch cũng không đồng tình với quan điểm của ngành giao thông. Một lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM đồng thời là Ủy viên Hội Quy hoạch TPHCM lập luận, bên cạnh xe khách liên tỉnh còn có các loại hình vận tải khác như xe buýt, taxi… được đưa đón khách trong nội thành. Nếu xe khách liên tỉnh cũng được dừng đón khách như hai loại phương tiện trên thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự vận tải và trật tự đô thị nói chung. Do vậy, xe khách liên tỉnh chỉ nên đón trả khách trong các bến xe đã được xây dựng theo quy hoạch.
Việc xây dựng bến xe theo quy hoạch thực ra không dễ. Nhiều năm trước ngành giao thông đã có chủ trương xã hội hóa công tác xây dựng bến xe. Thế nhưng, đối với một thành phố lớn, đông dân như TPHCM, tìm được vị trí có thể xây dựng bến xe đúng quy hoạch cũng không dễ. Có đơn vị vận tải tìm được khu đất đảm bảo đủ diện tích xây bến xe nhưng lại… không hợp quy hoạch. Ngược lại, ở những vị trí thuận tiện giao thông, có thể được quy hoạch làm bến xe, lại không dễ giải tỏa. Ngay như Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn, doanh nghiệp nhà nước lớn được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng 2 bến xe miền Đông và miền Tây mới cho TPHCM, cũng gần 10 năm qua chưa thực hiện được. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… chưa xong là nguyên nhân chính.
Hợp thức hóa “xe dù, bến cóc” hay cương quyết dẹp bỏ - vì thế, xem ra chưa có hồi kết.
Nguyễn Khoa