
(SGGP-12G).- Tại TPHCM, người đi đường đang đối mặt với một “hung thần” mới, đó là các xe gắn máy chở gas, nước đá... Chiếc xe chỉ còn cái máy “máng” vào sườn, 1 cái thắng, 1 cái bô… là trở thành phương tiện “chuyên dùng” để chở các món hàng nêu trên. Những chiếc xe này lao vun vút trên đường mà không hề gặp một trở ngại nào, kể cả CSGT.
Dù bình gas đã được các cơ sở sản xuất niêm phong, gắn chì bảo đảm… nhưng có ai dám chắc là sẽ không găp sự cố? Vừa rồi tại quận 9 TPHCM đã xảy ra một vụ nổ do xe tải vận chuyển gas không đảm bảo. Đó là lý do vì sao đơn vị kinh doanh phải vận chuyển bình gas từ nơi sản xuất đến các đại lý bằng xe chuyên dùng.
Theo kỹ sư, Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM: “Với loại khí đốt này phải có độ an toàn cao khi sản xuất cũng như vận chuyển”. Nguyên tắc là vậy, nhưng có mấy đại lý chấp hành nghiêm túc? Các loại xe mà họ sử dụng để chở gas đến nhà người tiêu dùng đều là xe gắn máy “độ”. Chưa hết, những nhân viên chở gas cột bình gas khá hời hợt, lại thường phóng bạt mạng, luồng lách bất chấp luật lệ, tín hiệu đèn giao thông.

Xe gắn máy chở nước đá không biển số vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường (ảnh chụp trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3).
Anh Đức Huấn, nhà ở quận 1 TPHCM tâm sự: “Ngày hôm kia, tôi xui “tận mạng”. Vừa ra đường thì gặp “thằng” chở gas quẹt phải, chiếc SH cưng như “trứng mỏng” mà nó “táng” nguyên bình gas vào cái bửng. Xuống xe, nó cười “nham nhở” và móc hết túi trên, túi dưới xin đền 300.000đ”. Một buổi chiều cuối tháng 3-2009, trên đường Trần Huy Liệu quận Phú Nhuận TPHCM, người viết bài này và nhiều người đi đường đã một phen hoảng hồn vì nhân viên vận chuyển làm rớt bình gas. Khi bình gas lăn vòng vòng trên đường, mọi người chỉ biết ráng… né. Bình gas đó mà nổ thì làm sao tính hết hậu quả?
Nói về cái sự… ẩu thì xe của những “anh hai” chở gas vẫn còn thua một bậc so với những anh chở nước đá bán lẻ. Tại thời điểm này, hầu hết các đại lý bán nước đá đều sử dụng các loại xe gắn máy của những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Chiếc xe chỉ là một cái máy “gác” lên cái sườn cũ kỹ, 1 cái thắng, 1 cái “mâm tổ chảng” ở đằng sau để chở nước đá. Tay lái cũng đơn sơ, không cần “mặt nạ”… và đèn chiếu sáng hầu như không hề có đối với phương tiện này. Biển xe thì mờ mịt, móp méo và thậm chí nhiều xe không có biển số. Thiếu các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông như vậy nhưng các loại xe này vẫn lưu hành trên đường.
Người dân thành phố cũng không khó nhận ra các loại xe này. Khi dừng xe tại các ngã tư, thấy phương tiện nào vượt đèn đỏ hay rồ máy “ầm ầm” ở phía sau thì đích thị đó là xe chở nước đá. Mới đây, trên đường Trương Định (khu vực công viên văn hóa Tao Đàn, quận 1 TPHCM), một bao nước đá đã rơi khỏi một chiếc xe như trên, hàng trăm viên đá văng trên đường khiến một số người đang lưu thông trên đường bị té, ngã. Do thấy hậu quả quá nghiêm trọng (và cũng không thể thu hồi được số đá bị rơi vãi), người chở nước đá này đã bỏ chạy. Thấy vậy, nhiều người định ghi lại biển số xe nhưng xe không có... biển số.
Theo Thượng tá Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TPHCM: “Sắp tới CSGT sẽ tổ chức chấn chỉnh tình trạng trên. Đối với các loại xe này, CSGT có thể xử lý các vi phạm như chở hàng cồng kềnh; biển số cong, gãy, mờ hay không có biển số”. Tuy nhiên, thiết nghĩ việc xử phạt như trên chưa đủ sức răn đe vì theo luật định, đối với lỗi vi phạm về biển số chỉ xử phạt từ 20.000đ đến 50.000đ. |
ĐOÀN HIỆP