Xem lại cách dạy môn đạo đức

Mới đây, trong buổi gặp mặt thân mật thầy cô giáo ở TPHCM nhân ngày 20-11, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trăn trở về thực trạng giáo dục đạo đức cho học sinh chưa hiệu quả và nhấn mạnh rằng đây là lỗi của chúng ta.

Mới đây, trong buổi gặp mặt thân mật thầy cô giáo ở TPHCM nhân ngày 20-11, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trăn trở về thực trạng giáo dục đạo đức cho học sinh chưa hiệu quả và nhấn mạnh rằng đây là lỗi của chúng ta.

Với thâm niên 30 năm gắn bó với nghề giáo, GS-TS-NGƯT Nguyễn Thị Doan cho rằng điều này rất nguy hiểm và cần phải xem lại cách dạy môn giáo dục công dân (GDCD) hiện nay. Quả thật thời lượng dành cho môn học này đã ít ỏi, chỉ có 1 tiết/tuần nhưng nó lại không được coi trọng và thiếu người tâm huyết, thích dạy môn GDCD.

Thực tế khảo sát cho thấy, nhiều trường không bố trí được giáo viên dạy GDCD nên phải phân các giáo viên bộ môn thay phiên nhau dạy. Đã thế, môn học này khô khan, nhiều nội dung trừu tượng, giáo điều, ít gắn với thực tế cũng khiến học sinh ngán học, học để trả bài là chính. Như thế, tác dụng của việc dạy đạo đức cho học sinh để hình thành hành vi đạo đức, tình cảm đạo đức và biết ứng xử có đạo đức, làm người tốt đã không thành công.

Thực tế môn học này có khó dạy lắm không? Đúng là không có môn học nào khô khan mà chỉ có thầy cô giáo - những người đưa đò tri thức - không biết cách truyền tải, biến những điều khô khan thành hấp dẫn mà thôi.

Câu chuyện về thầy giáo Trần Anh Tuấn, giáo viên dạy môn GDCD ở Trường THCS Bạch Đằng quận 3 TPHCM được Phó Chủ tịch nước đem ra làm ví dụ điển hình. Thầy đã dạy môn học này bằng những bài giảng sinh động, liên hệ từ thực tế và giáo dục các em hình thành ý thức, có hành vi đạo đức tốt. Và những chủ đề đạo đức liên quan đến trách nhiệm công dân, tình người, về công cha nghĩa mẹ… được thầy lồng ghép bằng hình ảnh, những câu chuyện thật, việc thật khiến học trò thấm sâu, nhớ sâu. Nhắc lại câu chuyện này, Phó Chủ tịch nước muốn nhắn nhủ ngành giáo dục - đào tạo phải nhân rộng mô hình dạy môn GDCD hiệu quả này và phải tìm ra cách làm mới, giảng dạy hiệu quả hơn.

Trên thực tế, cũng có nhiều trường, nhiều giáo viên dạy môn GDCD đã cố gắng đổi mới cách dạy, lồng ghép kiến thức, thổi vào bài học những tình cảm chân thật, tình người cao cả để gieo vào lòng học sinh niềm tin, ý thức sống tốt, hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, để giáo dục đạo đức cho học sinh mang lại hiệu quả, cần nhiều cách làm, cách giáo dục, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi hành vi gương mẫu của người lớn, mỗi bài học có giá trị nhân văn, sâu sắc về làm người, sống có ích sẽ gieo vào lòng học sinh, giới trẻ hành vi đúng, lối sống lành mạnh. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội và tác động từ người thầy để tạo nền tảng đạo đức cho học sinh không kém phần quan trọng.

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục