Xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH-CĐ năm 2016 đã hết 2/3 thời gian và lượng hồ sơ đăng ký vào các trường giảm so với cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, với việc nguồn tuyển giảm, thí sinh ảo lên đến 50%, nhiều trường đại học dự báo điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) sẽ có nhiều biến động ở nhóm trường có điểm chuẩn cao trong năm 2015, đồng thời nhiều trường top dưới sẽ gặp khó khăn.
Thí sinh ảo đến 50%
Với việc Bộ GD-ĐT đưa ra quy định thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển hai trường, mỗi trường hai ngành trong đợt đầu tiên đã tạo nên tỷ lệ thí sinh ảo đến 50%. Trong khi đó, tình trạng ảo của năm ngoái là chỉ ảo nguyện vọng ở các ngành (thí sinh chỉ nộp hồ sơ đăng ký vào 1 trường và được chọn 4 ngành) nên các trường hoàn toàn tính toán được. Còn tình trạng ảo năm nay khiến nhiều trường đau đầu.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, qua 6 ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, trường nhận được khoảng 8.000 hồ sơ. Trong khi chỉ tiêu của trường là 8.200. Trường mong lượng hồ sơ đăng ký phải nhiều gấp đôi so với chỉ tiêu thì mới an tâm vì năm nay ảo đến 50% do thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký ở hai trường, mỗi trường 2 ngành. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, chỉ tiêu năm nay của trường là 6.900. Tính đến cuối ngày 6-8, trường nhận được khoảng hơn 8.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển (gồm nộp trực tiếp tại trường, qua đường bưu điện và đăng ký trực tuyến). Với hình thức xét tuyển năm nay thì lượng hồ sơ như trên chưa thể an tâm.
Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, với mức điểm nhận hồ sơ là 18 điểm, trường nhận hơn 4.000 hồ sơ so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5.200. Với mức điểm nhận hồ sơ như trên trường cũng đỡ lo tình trạng thí sinh ảo nhưng cũng hy vọng trong những ngày cuối sẽ có nhiều hồ sơ đăng ký hơn. Tuy nhiên, việc giải quyết bài toán thí sinh ảo như thế nào thì các trường sẽ có sự tính toán để gọi thí sinh. Trường cũng khuyến cáo nhiều ngành như bản đồ học, lâm nghiệp, chế biến lâm sản, chế biến thủy sản, phát triển nông thôn ở phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận nhiều khả năng điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm nhận hồ sơ cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại miền Trung và Tây nguyên. Phân hiệu Gia Lai các ngành có điểm nhận hồ sơ là 16 điểm, Phân hiệu Ninh Thuận: 15 điểm cho tất cả các ngành.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM nhận hơn 5.500 hồ sơ đăng ký (hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2016 là khoảng 4.200, xét bằng điểm học bạ THPT khoảng 1.300 hồ sơ). Hội đồng tuyển sinh của nhà trường cho biết, điểm qua tham khảo từ hồ sơ của thí sinh tập trung nhiều ở mức 17 - 19 điểm. Nhà trường cũng dự tính nhiều phương án để giảm tối thiểu tình trạng thí sinh ảo khi xác định điểm trúng tuyển.
Điểm chuẩn trường top trên sẽ giảm?
Theo thống kê phổ điểm kết quả thi THPT quốc gia năm 2016, số thí sinh có tổng điểm thi ba môn (theo các tổ hợp dùng để xét tuyển ĐH) đạt từ 15 điểm trở lên có số lượng hơn 400.000 (đã tính cả ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực), giảm khoảng 120.000 so với năm 2015. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH theo 7 nhóm ngành mà trước đó Bộ GD-ĐT công bố là hơn 420.000. Từ thực tế trên cho thấy nguồn tuyển giảm nên nhiều khả năng điểm trúng tuyển của nhiều ngành, nhiều trường sẽ giảm so với năm trước.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM
Kết quả điểm thi THPT quốc gia cũng cho thấy số thí sinh đạt điểm 9-10 giảm rất mạnh so với năm 2015. Do đó, những ngành như y đa khoa năm ngoái có điểm trúng tuyển dao động từ 25 - 28,25 điểm thì năm nay dự kiến sẽ giảm ít nhất từ 1 đến 2 điểm. Nhóm trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TPHCM điểm trúng tuyển năm nay cũng sẽ giảm xuống ít nhất từ 1 - 1,5 điểm. Song song đó, những ngành được xem là “hot” như công nghệ sinh học, công nghệ hóa, công nghệ thực phẩm… điểm chuẩn cũng sẽ giảm so với năm rồi.
Trong khi đó, đối với nhóm trường thuộc top giữa như Trường ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng điểm chuẩn dự kiến không có nhiều thay đổi. Kết quả phổ điểm cho thấy lượng thí sinh có mức điểm từ 15 - 18 tương đương so với năm 2015. Do đó, điểm trúng tuyển những trường thuộc nhóm này sẽ nằm trong ngưỡng điểm này. Thậm chí, nhiều ngành khó tuyển có thể điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn.
Trong khi đó, ở nhóm trường top dưới (những trường ngoài công lập ít nổi tiếng, những trường ĐH địa phương…) chắc chắn nguồn tuyển sẽ khó khăn. Năm 2015 dù điểm thi cao, nguồn tuyển dồi dào và điểm trúng tuyển bằng điểm sàn nhưng nhóm trường này cũng không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều ngành phải đóng cửa. Với việc nguồn tuyển giảm khoảng 120.000 thí sinh, chắc chắn năm nay những trường nằm trong nhóm này sẽ đối diện với nguy cơ “ế” là rất lớn.
THANH HÙNG