Xét tuyển ĐH từ kết quả thi tốt nghiệp THPT: Sẽ không khách quan, công bằng!

Xét tuyển ĐH từ kết quả thi tốt nghiệp THPT: Sẽ không khách quan, công bằng!

Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này trên các báo và lần này chúng tôi vẫn giữ quan điểm: nếu phải chọn một kỳ thi thì phải chọn kỳ thi đại học (ĐH). Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số lý do chính.

SV Khoa Cơ khí ĐH Bách khoa thực tập đo đạt sản phẩm. Ảnh: MAI HẢI

SV Khoa Cơ khí ĐH Bách khoa thực tập đo đạt sản phẩm. Ảnh: MAI HẢI

Mỗi trường ĐH-CĐ đào tạo những nhóm ngành nghề khác nhau, có những tiêu chí và mục tiêu đào tạo khác nhau. Vì vậy, trường ĐH-CĐ phải được tuyển chọn sinh viên (SV) bằng những tiêu chí, thước đo riêng. Bộ GD-ĐT và các trường ĐH-CĐ luôn muốn tiến tới mục đích đào tạo đáp ứng theo yêu cầu xã hội thì không thể xét tuyển thí sinh (TS) từ một thước đo chung là kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải là kỳ thi tuyển.

Kỳ thi này phải do các trường ĐH tổ chức (coi thi, chấm thi và xét tuyển). Do đặc thù là kỳ thi tuyển nên được tổ chức nghiêm túc, khách quan với mong muốn tuyển được những học sinh (HS) có đủ kiến thức đáp ứng yêu cầu để được đào tạo tốt hơn.

Nếu bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tức đã không công bằng với người học. Nếu TS thi ĐH-CĐ có rớt năm nay thì năm sau họ có thể thi lại. Trong khi, nếu lấy kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển thì chỉ những TS có kết quả khá, giỏi mới có hy vọng được xét vào các trường ĐH. Số còn lại nếu muốn học ĐH phải thi lại THPT năm sau là không hợp lý và sai với Luật Giáo dục, vì họ đã tốt nghiệp THPT rồi!

Thực chất, chuẩn THPT giữa các vùng miền không thể như nhau (vẫn còn môn thi thay thế). Kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể khách quan và chính xác như kỳ thi tuyển ĐH. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, HS đạt tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các vùng miền không giống nhau, điều này do nhiều nguyên nhân (đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên…), nên việc xét tuyển ĐH từ kỳ thi THPT chỉ tạo thuận lợi hơn cho HS ở các khu vực có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tốt hơn so với các khu vực khó khăn.

Có rất nhiều em tốt nghiệp THPT loại khá giỏi (trước đây được cộng điểm thưởng) nhưng khi vào ĐH không phải em nào cũng học khá giỏi. Trong khi đó, các em thi tốt nghiệp THPT loại trung bình, trúng tuyển vào ĐH nhiều em học rất tốt vì có những năng khiếu, tố chất phù hợp với những lĩnh vực nhất định. Đặc biệt là các học sinh ở nông thôn, các HS nghèo vừa phải phụ giúp gia đình, vừa phải đi học nên khó đạt khá, giỏi trong kỳ thi THPT.

Nếu lấy kết quả THPT làm thước đo vào ĐH thì chẳng phải những HS có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt thòi, mất cơ hội vào ĐH vì tốt nghiệp loại trung bình. Để tạo sự công bằng trong học tập, cứ để tất cả những HS đủ điều kiện tốt nghiệp THPT có quyền được lựa chọn thi hoặc không thi ĐH. Kết quả thi đậu hay không còn do năng lực mỗi người, nhưng trước nhất phải đảm bảo công bằng trong xã hội.

Tôi nghĩ, xét tốt nghiệp THPT là hợp lý. Bậc học phổ thông đào tạo con người có kiến thức cơ bản, phổ thông. Vấn đề ở đây là làm thế nào để kết quả tốt nghiệp đủ chính xác, công bằng? Nhà quản lý nên xác định tiêu chí đánh giá tốt nghiệp cụ thể đảm bảo khách quan, khoa học, căn cứ trên quá trình học tập của HS mà không chạy theo thành tích. HS sau khi tốt nghiệp THPT là hành trang vào đời, có thể vào ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp hay trường nghề tùy theo sở thích, năng lực và điều kiện thực tế.

Ở bậc ĐH-CĐ, các trường được trao quyền tự chủ thì trước hết phải được tự chủ, tự quyết ngay từ việc lựa chọn đầu vào SV để đào tạo bằng những tiêu chí, thước đo riêng dựa trên quy định chung và sự kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Tôi nghĩ cách hay nhất là giữ một kỳ thi ĐH, có thể do Bộ GD-ĐT ra đề nhưng do các trường tuyển sinh mới đảm bảo được sự khách quan, nghiêm túc.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM

Tin cùng chuyên mục