Các chiến dịch tranh cử vào ghế Tổng thống Pháp đang ở vào giai đoạn nước rút, khi chỉ còn 8 ngày nữa là diễn ra cuộc bỏ phiếu vòng 1 (22-4). Hiện có 4 ứng cử viên vượt lên trước cuộc đua có tới 12 người tranh cử: ông Nicolas Sarkozy (đảng UMP cầm quyền), bà Ségolène Royal (đảng Xã hội), Francois Bayrou (đảng UDF) và Jean-Marie Le Pen (đảng FN). Một điều dễ nhận thấy nhất kể từ khi chiến dịch tranh cử chính thức bắt đầu là “tâm lý chiến” đóng vai trò đáng kể.
Các ứng cử viên liên tục hứa hẹn với cử tri một tương lai tươi sáng nếu được bầu làm tổng thống. Có điều dễ thấy nữa là các ứng cử viên ngày càng tỏ ra “hung hăng” hơn với đối thủ, thay vì dùng những từ ngữ nhẹ nhàng mềm mỏng như trước để nói về nhau. Mọi ngôn từ mạnh mẽ, chỉ trích nhau được sử dụng triệt để.
Ông Jean-Marie Le Pen còn chẳng ngần ngại lôi ra nguồn gốc xuất thân của ông Sarkozy (cha là người nhập cư gốc Hungary). Thậm chí họ của các ứng cử viên cũng được mang ra mổ xẻ, phân tích.
Mặc dù có những điểm khác nhau nhưng các ứng cử viên cũng có điểm chung, đó là đều đề nghị tăng cường vai trò của quốc hội, mang lại cho tổng thống vai trò cân bằng hơn với thủ tướng. Các ứng cử viên cho rằng thời gian gần đây, chế độ tổng thống ở Pháp đã chệch hướng, làm cho chế độ chính trị ở Pháp có khoảng cách so với các nước châu Âu láng giềng như Anh, Đức, Tây Ban Nha hay Italia. Tại các nước này, quốc hội có quyền bãi nhiệm thủ tướng nhưng bù lại, thủ tướng có quyền yêu cầu bầu cử trước thời hạn và một vài quyền hạn khác của quốc hội. Các tiêu chí này được áp dụng hầu hết ở các nước châu Âu.
Quyền tổng thống ở các nước tất nhiên thay đổi theo từng hoàn cảnh chính trị của nước đó. Bầu cử theo kiểu phổ thông đầu phiếu cũng không hiếm ở châu Âu, nhưng ở Pháp quyền lực tổng thống có vẻ không giống như ở các nước cũng thực hiện phổ thông đầu phiếu khác. Theo đánh giá của giới chuyên gia thì khắp nơi (trừ Síp), quyền tổng thống thường không bằng thủ tướng.
Giáo sư Bastien Francois nhận định chỉ có ở Pháp là tập trung quyền lực tuyệt đối vào tổng thống. Hiện Liên minh châu Âu, vốn không áp đặt cho các nước thành viên bất cứ nguyên tắc nào về thể chế, chỉ yêu cầu các nước phải đảm bảo một thể chế ổn định duy trì được dân chủ, nhân quyền, quyền tối cao, tôn trọng và bảo vệ các dân tộc thiểu số.
Do đó, các nước được lựa chọn hệ thống chính trị thích hợp với các điều kiện của mình. Cho dù kết quả có thế nào, các nhà phân tích hy vọng tổng thống mới của nước cộng hòa sẽ mang nước Pháp lại gần với châu Âu hơn trong cuộc sống chính trị.
LÊ VÂN
(Theo Le Monde)