UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Theo đó, khu vực này tồn tại 42 cơ sở sản xuất, hoạt động chủ yếu là những ngành nghề gây ô nhiễm như dệt nhuộm, sản xuất giấy, bao bì... Thực trạng này đã kéo dài từ năm 2008 nhưng cho đến nay chỉ mới có 50% số cơ sở ngưng hoạt động. Số còn lại vẫn đang tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân sống ở khu vực lân cận.
Chấm dứt hoạt động 100% cơ sở gây ô nhiễm
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, dù đã tích cực xử lý nhưng tại khu vực trên mới có 21 cơ sở ngưng hoạt động, còn 21 cơ sở vẫn đang hoạt động. Đa số các cơ sở này đã trang bị hệ thống xử lý khí thải, nước thải, nhưng tình trạng máy móc thiết bị sản xuất quá lạc hậu nên vẫn gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhiều người dân sống tại khu vực phường Đông Hưng Thuận cho biết hầu hết đều mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, do khí thải tại khu vực này rất nặng mùi.
Theo đại diện UBND quận 12, quận đã tiến hành kiểm tra và xử phạt thường xuyên nhưng tình trạng gây ô nhiễm của các cơ sở này rất khó khắc phục. Mặt khác, có thể mỗi cơ sở khi đo đạc nồng độ khí thải thì đạt nhưng khi tập trung thành một cụm thì khó đạt tiêu chuẩn an toàn cho môi trường.
Một số nhà máy đang sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM (Ảnh: THÀNH TRÍ)
Cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân khu vực này cũng đồng nghĩa với việc phải tiếp tục cải thiện môi trường hoạt động của các cơ sở còn lại. Trước thực tế đó, kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai. Theo đó, trong số 21 cơ sở gây ô nhiễm đang hoạt động, có 16 cơ sở sẽ phải di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3; 2 cơ sở khác sẽ tự chuyển đổi ngành nghề nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của quận; 3 cơ sở còn lại tự tìm địa điểm di dời. Tất cả sẽ phải chấm dứt hoạt động gây ô nhiễm trước ngày 31-12-2016. Đây cũng là tiền đề để thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên toàn địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ các cơ sở hoàn tất quy trình, thủ tục và tiến độ di dời, UBND TPHCM cũng đã yêu cầu 21 cơ sở trên phải áp dụng ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như lập kế hoạch giảm công suất sản xuất, thay đổi công nghệ sản xuất. Bắt đầu từ đầu tháng 6, việc giám sát các cơ sở trên phải thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn môi trường cho khu dân cư cũng sẽ được các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành rất chặt chẽ. Các cuộc kiểm tra đột xuất tình hình thực hiện các nội dung kế hoạch, biện pháp bảo vệ môi trường sẽ được triển khai. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt mức cao nhất.
Tạo mọi điều kiện sản xuất xanh
Song song với những giải pháp trên, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hỗ trợ các cơ sở phải di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề lập phương án di dời, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn tham gia chương trình kích cầu theo Quyết định số 50 của UBND TP. Đối với trường hợp cơ sở chưa nhận được chính sách hỗ trợ từ chương trình kích cầu, có thể tham khảo chương trình hỗ trợ tài chính cho vay với lãi suất ưu đãi của Quỹ bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở cũng sẽ là cơ quan thường trực điều phối hoạt động chung của kế hoạch, theo dõi nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác di dời để kịp thời trình UBND TP xem xét giải quyết, tháo gỡ. Các cơ sở cũng được tạo điều kiện để tạo nguồn vốn tái đầu tư cho mình bằng cách sử dụng nguồn vốn thu được từ vị trí nhà xưởng cũ.
Trước đó, để hỗ trợ tạo điểm đến an toàn môi trường cho các cơ sở trên, UBND TP đã yêu cầu Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp, UBND huyện Bình Chánh hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG thực hiện xây dựng hoàn thiện hạ tầng tiếp nhận. Cụ thể, đẩy nhanh hoàn thiện đường Võ Văn Vân, giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Đến nay, những hạ tầng cần thiết để vận hành khu công nghiệp bao gồm nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống cấp nhiệt, cấp nước và điện đã hoàn thành, đảm bảo cung ứng được cho các cơ sở trên khi di dời đến khu vực này. Hiện công ty và Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp đang tiến hành hướng dẫn và thực hiện các thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao mặt bằng theo vị trí đã xác định cho các cơ sở xây dựng nhà xưởng, đảm bảo theo đúng tiến độ trước tháng 6-2016.
|
ÁI VÂN