Xóa dự án “treo” 36 năm

Một dự án “treo” 36 năm đã được UBND TPHCM xóa bỏ quy hoạch tại buổi làm việc giữa Thường trực HĐND TPHCM với UBND TPHCM vào ngày 19-11.

Một dự án “treo” 36 năm đã được UBND TPHCM xóa bỏ quy hoạch tại buổi làm việc giữa Thường trực HĐND TPHCM với UBND TPHCM vào ngày 19-11.

Hậu quy hoạch vẫn… “treo”

Dự án này thuộc ấp 4 và ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, được Đoàn giám sát số 3 của HĐND TPHCM báo cáo: “36 năm quy hoạch đất quốc phòng, nhưng chưa đền bù, người dân mong muốn đền bù cho xong, nếu không thì xóa quy hoạch để thực hiện các quyền lợi theo quy định của pháp luật”. Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường giải thích, từ năm 1979, Ban Quản lý ruộng đất giao cho Sư đoàn 367 thực hiện dự án. Nhưng dự án vẫn nằm bất động. Sau đó, sở có mời Sư đoàn 367 lên trả đất lại cho huyện, bên quốc phòng yêu cầu TP chọn 2 khu đất nào đó giao cho bộ để hoán đổi. Thấy quá khó, sở có trao đổi với lãnh đạo huyện Cần Giờ nhưng cũng không tìm được đất để hoán đổi. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, “huyện và sở đã chấm 2 điểm thuộc xã Hiệp Phước, nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc trả lời không phù hợp vì nằm trong lõi của Hiệp Phước…”.  Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng: “Bộ bảo mình chuyển đổi thì chuyển đổi mục đích, thực hiện theo chỉ đạo. Còn việc bố trí đất ở đâu thì TP sẽ báo cáo cho bộ trưởng. Việc này UBND TP sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng”. Sau cuộc họp, ông Nguyễn Văn Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho phóng viên Báo SGGP biết: “Lãnh đạo TP quyết như vậy là bà con quá mừng rồi!”. Khu đất có diện tích 6ha, mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát, tại ấp 4 hầu hết đã xây cất nhà cửa; ở ấp 6, một nửa là đất nông nghiệp, năm 2008 huyện tiến hành cấp giấy chủ quyền cho một số trường hợp, sau đó phải ngưng lại vì đã quy hoạch đất quốc phòng của Sư đoàn 367, Phòng không Không quân, Bộ Quốc phòng.

Câu chuyện quy hoạch “treo” cũng nóng bỏng ở nhiều địa phương khác. Đoàn giám sát HĐND TPHCM báo cáo câu chuyện về 2 dự án “treo” cũng ngót nghét 10 năm có diện tích lên đến cả ngàn hécta tại huyện Hóc Môn. Theo đó, dự án khu công nghiệp và khu dân cư liền kề thuộc xã Xuân Thới Thượng, có diện tích 380ha, năm 2004, thuận chủ trương giao cho Công ty Tân Tạo. Sau đó vì không triển khai nên TP thu hồi và giao cho Công ty DIC làm chủ đầu tư. Từ năm 2010 đến nay, Công ty DIC chưa làm xong quy hoạch, sau đó được gia hạn vào năm 2012, nhưng đến nay cũng không có chuyển biến gì. Còn dự án Khu quy hoạch An Phú Hưng có diện tích 740ha, trước đó TP có chấp thuận cho Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư dự án và từng ra quyết định xóa sau 10 năm chấp thuận; sau đó công ty có xin tiếp tục được làm chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Một đại dự án khác là quy hoạch làng đại học có diện tích 500ha thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh. hiện trạng đất đai ở đây có nơi trồng lúa, có nơi bỏ hoang; người dân yêu cầu giải thích rõ là có làm dự án hay không để người dân tiếp tục canh tác.

Quy hoạch… lãng phí đất

Với quy hoạch làng đại học tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Nam, dự án có chủ trương của TP nên được giao cho chủ đầu tư là Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện. Sau đó, đơn vị này có mời gọi đơn vị tư vấn, đề xuất phương án quy hoạch 4 cụm đại học, có cơ cấu sử dụng đất ở và kinh doanh; sau đó sẽ giao các trường đại học và đổi lại được quyền kinh doanh đất…; nhưng điều này không được chấp thuận. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nêu thắc mắc, phía Đông Bắc cũng quy hoạch làng đại học với diện tích mấy trăm hécta, Tây Bắc cũng có, nhưng thực tế có bao nhiêu trường di dời ra đó? Nếu không phù hợp, thì đề xuất sửa, nếu vượt thẩm quyền, TP sẽ báo cáo Trung ương. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thừa nhận: “Quy hoạch như vậy là lãng phí quá! Đang báo cáo Bộ Xây dựng sửa lại quy chuẩn”.

Đối với các dự án quy hoạch treo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng, chủ trương chỉ đạo của UBND TP đã có đầy đủ, nhưng mỗi nơi hiểu một kiểu, cách làm không thống nhất. Yêu cầu là phải chọn các việc ảnh hưởng sát sườn quyền lợi của người dân để công bố, chẳng hạn con đường trước nhà ra sao, nhà mua bán sửa chữa thế nào, nếu quy hoạch như thế có được xây cất, mua bán hay không…, tức là những thông tin mà người dân rất muốn biết. Những nội dung này lấy từ đồ án, tập huấn cho cán bộ từ quận tới phường, thậm chí tổ dân phố. “Nếu các đồng chí làm như vậy thì không cần đến nghiệp vụ cao siêu gì đâu. Đề nghị chấn chỉnh làm ngay”, đồng chí Nguyễn Hữu Tín khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng chỉ đạo, trường hợp nếu quy hoạch không thể điều chỉnh hoặc cắt bỏ thì phải nói rõ, công bố cho người dân biết nguyên nhân vì sao.  UBND TP đã quy định, người dân nằm trong vùng có quy hoạch mà chưa có chủ đầu tư, hoặc chưa tổ chức thực hiện thì sẽ được áp dụng Quyết định 27 để giải quyết. Nếu dự án không được thực hiện thì người dân được quyền mua bán, sang nhượng, sửa chữa theo hiện trạng. Khu vực đó vẫn làm theo quy hoạch, khi nào làm thì nhà đầu tư bỏ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định. Về tình trạng da beo, nếu nhà đầu tư muốn làm thì làm theo luật mới, báo cáo với Nhà nước, tiến hành thu hồi đến dự án đã được phê duyệt, có tiến độ thực hiện; Nhà nước thành lập hội đồng bồi thường, duyệt giá đền bù cho dân theo đúng quy định, sau đó tiến hành đầu tư. Nếu nhà đầu tư không làm sẽ bị xử lý.

Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục