Từ ngày 1-7-2016, doanh nghiệp (DN) trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH quy định những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong DN bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong DN. Do đó, nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động trở thành một trong những nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động và hành vi chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH cho người lao động là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại các Điều 17 và Điều 21 Luật BHXH.
Từ ngày 1-7-2016, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp đang nộp Bảo hiểm xã hội cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội TPHCM. Ảnh: T.L
Bộ luật Hình sự mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2016 đã bổ sung tội phạm mới là tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo Điều 216, chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại tội này ngoài cá nhân còn có thể là pháp nhân - DN trốn đóng bảo hiểm, cụ thể người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, hoặc dựa trên số tiền thực tế trốn đóng, đóng không đủ và nhiều người lao động bị trốn đóng hay đóng không đủ bảo hiểm, mà có các mức truy cứu trách nhiệm hình sự khác nhau. Mức phạt tiền cao nhất pháp nhân phạm tội phải chịu có thể lên đến 3 tỷ đồng. Một trong những điểm mới đáng kể của Bộ luật Hình sự là truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả pháp nhân và tội trốn đóng bảo hiểm này chính là một trong các tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, nguyên nhân là do việc không đóng, hoặc đóng sai bảo hiểm cho người lao động đã mang lại lợi ích kinh tế cho pháp nhân - DN này.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rất rõ “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Do đó, khi pháp nhân trực tiếp hưởng lợi từ việc trốn đóng bảo hiểm cho người lao động đã chịu các mức phạt tiền do bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì những cá nhân liên quan trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội vẫn có thể bị tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự do tội này, với mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng kèm với các hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)