Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh của người dân TPHCM về tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng vì rác thải, khí thải, nước bẩn và tiếng ồn do sản xuất - kinh doanh trong khu dân cư. Dù người dân đã phản ánh nhưng chính quyền địa phương không xử lý rốt ráo.
Đủ thứ ô nhiễm
Tại nhiều khu dân cư, cư dân khốn khổ vì tiếng ồn từ các quán nhậu, quán cà phê, cửa hàng điện máy, loa của xe bán kẹo kéo... Ô nhiễm tiếng ồn từ sáng đến khuya khiến cuộc sống căng thẳng, mệt mỏi. Câu lạc bộ thể hình (số 69 đường 85, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7) suốt ngày mở nhạc ầm ĩ khiến người dân xung quanh nhức đầu, trẻ em không thể học bài, người già khó ngủ. Các cư dân tại đây bức xúc phản ánh: “Suốt 3 năm qua chúng tôi phải chịu đựng tiếng nhạc quá to suốt ngày. Gửi đơn phản ánh thì thấy cán bộ chính quyền xuống làm việc, nhưng cũng chỉ được vài ngày rồi phòng tập lại mở nhạc to hơn”.
Nhiều cư dân đường Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh), Văn Chung (quận Tân Bình), chợ Cầu, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp)... đã gọi đến đường dây nóng Báo SGGP kêu cứu vì nạn ô nhiễm do các chợ tự phát thường xuyên đổ nước bẩn tràn lan xuống cống và trên mặt đường. Anh Nguyễn Văn Hưng (ngụ ở hẻm 338 Nguyễn Xí) cho biết: “Cứ mỗi lần trời mưa là cả khu dân cư phải chịu mùi hôi thối của xác động vật chết nhiều ngày liền xông lên từ miệng cống. Do chợ tự phát ở đầu đường không ai quản lý nên những người buôn bán thịt cá cứ tuôn mọi thứ chất thải xuống cống. Chất thải tích tụ lâu ngày càng bốc mùi nặng hơn”.
Còn tại phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân), cư dân khu phố 4 (tổ 69, 70) đang hứng chịu khói thải bốc mùi khó chịu từ Công ty TNHH MTV Ý Vinh và Công ty Sản xuất keo Hồng Thuận Phát liên tiếp 5 năm qua. Ông Võ Văn Quý (74 tuổi, ở khu phố 4) than: “Cứ đến trưa là người dân xung quanh Công ty Ý Vinh phải đóng chặt cửa từ trưa cho đến tối. Nhiều nhà đã lắp cửa kính để ngăn khí độc bay vào, nhưng cũng không hiệu quả bao nhiêu. Do khói của Công ty Ý Vinh xả ra rơi phủ xuống nên lan can, song sắt cửa, tường của các nhà dân xung quanh dính đầy chất nhờn màu xanh. Còn Công ty Hồng Thuận Phát thường mỗi tuần lại một lần xả ra môi trường mùi keo nồng nặc. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, cũng thấy có cán bộ xuống kiểm tra, nhưng sau đó Công ty Ý Vinh và Công ty Hồng Thuận Phát vẫn tiếp tục gây ô nhiễm.
Khó tước giấy phép kinh doanh?
Từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã nhiều lần đến khu phố 4 phường Bình Trị Đông A, chứng kiến 2 ống khói của Công ty Ý Vinh bốc ra nồng nặc giống như mùi phân u-rê. Đến trưa, khói càng xả ra dày đặc hơn khiến khu dân cư mờ mịt như đang trong sương mù.
Ông Phan Thanh Phong, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Bình Tân, cho biết: “Công ty Ý Vinh chuyên sản xuất gia công căng sợi vải, không nằm trong 17 ngành nghề cấm hoạt động trong khu dân cư, nên chỉ có thể xử phạt chứ không thể tước giấy phép kinh doanh. Đầu năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã lấy mẫu thử khói của công ty, đạt kết quả không có chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Có khả năng trong thời gian gần đây, hệ thống xử lý khí thải bị hư nên gây ô nhiễm. Qua phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ kiểm tra hệ thống xử lý khí thải của công ty này”. Để vấn đề bức xúc của bạn đọc tại khu phố 4 được giải quyết có hiệu quả, Báo SGGP sẽ tiếp tục theo dõi việc kiểm tra, khắc phục ô nhiễm tại đây.
UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 200 ngày 18-8-2002, quy định về 17 ngành nghề trong diện không được phép sản xuất - kinh doanh trong khu dân cư (như hóa chất, tái chế phế thải, tẩy nhuộm, gia công cơ khí, giết mổ gia súc...). Song, trong thực tế có nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh không nằm trong danh mục 17 ngành nghề cấm sản xuất - kinh doanh ở khu dân cư nhưng vẫn gây ô nhiễm trầm trọng, như liên tiếp bị phạt nhiều lần vì xả chất thải gây ô nhiễm, mở âm thanh vượt mức cho phép. Và rồi những trường hợp này chỉ phải nộp phạt mà vẫn được hoạt động, rồi tiếp tục sai phạm. Cứ như thế, người dân ở các khu dân cư vẫn phải tiếp tục chịu đựng ô nhiễm. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý mạnh đối với các cơ sở gây ô nhiễm vi phạm nhiều lần, như tước giấy phép kinh doanh, buộc phải ngưng hoạt động một thời gian để khắc phục, để có tính răn đe hơn đối với những trường hợp gây ô nhiễm môi trường.
THANH HẢI