Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 24-1 bắt đầu chuyến công du Ấn Độ với kỳ vọng sẽ ký kết được nhiều hợp đồng công nghệ, năng lượng sạch, đường sắt cao tốc và trang thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD. Ông Hollande khởi động chuyến thăm Ấn Độ tại thành phố Chandigarh - thủ phủ của bang Haryana và Punjab thuộc phía Bắc Ấn Độ. Chandigarh là một trong ba thành phố mà chính quyền Paris đã cam kết giúp phát triển thành thành phố thông minh, có trang bị nguồn cung cấp nước sạch, hệ thống xử lý nước thải và giao thông công cộng hiệu quả, cùng nhiều chương trình khác.
Theo Reuters, tâm điểm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Hollande và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là hoàn tất thỏa thuận bán các máy bay chiến đấu do Pháp chế tạo. Trong chuyến thăm Paris hồi tháng 4-2015, Thủ tướng Modi đã bày tỏ ý định mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp để bổ sung cho không lực Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tuần trước tiết lộ thương vụ này “gần hoàn tất”, trong khi một quan chức giấu tên khác tiết lộ hai bên sẽ chốt thỏa thuận quân sự này trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Hollande. Được biết, thương vụ trên nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 150 tỷ USD mà New Delhi phát động và đã thu hút nhiều công ty sản xuất vũ khí toàn cầu chú ý đến một trong những thị trường quân sự lớn nhất thế giới.
Trước đó, báo cáo của LHQ về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2016 công bố ngày 22-1 nhận định Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2016. Báo cáo cho biết kinh tế Ấn Độ, hiện chiếm hơn 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của khu vực Nam Á, được dự báo tăng trưởng 7,3% trong năm 2016 và 7,5% trong năm 2017, qua đó trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đài RFI bình luận chuyến đi của ông Hollande trong thời điểm này là một lựa chọn khôn ngoan khi EU đang ngập chìm trong khó khăn về nợ công và tỷ lệ thất nghiệp chưa được cải thiện. Trong mấy năm qua, nhiều công ty của Pháp liên tục làm ăn thua lỗ, mất hàng chục ngàn việc làm và xu hướng này đang được dự báo là vẫn tiếp diễn, thì chuyến công du tới Ấn Độ lần này được cho là không chỉ giúp thắt chặt thêm quan hệ đối tác chiến lược mà qua những dự án, hiệp định hợp tác về kinh tế được ký giữa hai bên, Paris cũng sẽ giảm tải được phần nào gánh nặng về kinh tế. Trong khi đó, với New Delhi, thúc đẩy quan hệ với Paris cũng mang lại cho quốc gia Nam Á nhiều cơ hội mới: Đàm phán về hiệp định thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ vừa được nối lại sau 2 năm trì hoãn hẳn sẽ có thêm lợi thế khi có được sự ủng hộ của Paris; Các doanh nghiệp của Ấn Độ cũng sẽ vươn rộng thị trường tới khu vực EU với bàn đạp là thị trường Pháp; Ký kết nhiều hợp đồng về quốc phòng với Pháp, Ấn Độ cũng khẳng định thêm vai trò, vị trí trong khu vực. Mặt khác, tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược Pháp - Ấn Độ cũng giúp Ấn Độ có thêm sự ủng hộ của Paris trong phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, cho dù đến nay, New Delhi là một cường quốc hạt nhân quân sự.
Cả Paris lẫn New Delhi đều kỳ vọng về một chặng hợp tác mới trong một thế giới đang đổi thay, đây là nhân tố tích cực giúp cải thiện cuộc sống của người dân hai nước, là xu thế tất yếu của thời đại: Hợp tác vì sự phát triển thịnh vượng.
VIỆT LÊ