Xuất khẩu hải sản sang EU từ vị trí thứ 2 xuống thứ 5 do “thẻ vàng”

Từ vị trí thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu hải sản vào EU, sau khi bị "thẻ vàng", Việt Nam tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng xuất khẩu của hải sản Việt Nam cũng sụt giảm từ 18% xuống 13%.
Ngư dân Khánh Hòa khai thác cá ngừ đại dương xuất khẩu

Sáng 25-9, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt hợp pháp, tuân thủ các quy định pháp luật để phát triển lại xuất khẩu hải sản sang các nước châu Âu (EU). 

Theo VASEP, sau 2 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018. Và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019, với 251 triệu USD.

Từ vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu hải sản vào EU, sau khi bị "thẻ vàng", Việt Nam tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng xuất khẩu của hải sản Việt Nam cũng sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Thực hiện Cam kết chống khai thác IUU, các doanh nghiệp đồng loạt ngừng thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác bất hợp pháp, chỉ mua có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp, tuân thủ các quy định của Mỹ, EU.

Mặt khác, doanh nghiệp rất tích cực trong việc chung tay, phối hợp với Bộ NN-PTNT, các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện các khuyến nghị của EU, tham gia, đề xuất, góp ý sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý.

Nguyên nhân chủ yếu Việt Nam vẫn còn bị EU cảnh cáo “thẻ vàng” là một số ngư dân vẫn còn khai thác bất hợp pháp. Để chống khai thác IUU, VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp các Sở NN-PTNT, Ban Quản lý cảng cá các địa phương tiếp tục các giải pháp, kế hoạch cải thiện nhằm giải quyết vấn đề “thẻ vàng” hướng tới phát triển bền vững.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT xem xét sửa đổi một số nội dung trong các thông tư còn bất cập; sớm hoàn thiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác áp dụng chung toàn quốc.

Đối với Bản quản lý cảng cá kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến để đảm bảo các tàu cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu, cập nhật đủ dữ liệu hành trình vào phần mềm quản lý, kiên quyết từ chối cho bốc dỡ sản phẩm đối với các tàu cá khai thác trái phép có trong danh sách tàu IUU…

Tin cùng chuyên mục