Có một nghịch lý là mặc dù ASEAN đã thực hiện cắt giảm thuế cho các nước thành viên, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (VN) vào ASEAN đang trong xu hướng giảm dần so với 3 năm trước đây.
Xuất khẩu giảm từ 19,3% xuống 14,7%

Sản phẩm bình xịt của Công ty Dudaco được xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia, Lào... Ảnh: Đ.V.D.
Trong 10 năm qua, hoạt động thương mại giữa VN với các nước ASEAN đã có bước phát triển đáng khích lệ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa của VN sang các nước ASEAN tăng hơn 3 lần, từ gần 1 tỷ USD trong năm 1995 lên hơn 3 tỷ USD trong năm 2004. Tương tự, giá trị nhập khẩu của VN từ các nước ASEAN cũng tăng từ 2,3 tỷ USD lên hơn 6 tỷ USD.
Tính đến hết năm 2004, các nước ASEAN đã đầu tư trên 11 tỷ USD với vốn thực hiện khoảng 5 tỷ USD. VN đầu tư 52 dự án vào các nước ASEAN với tổng vốn 51 triệu USD, vốn thực hiện gần 7 triệu USD.
Theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Trình, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, mặc dù quan hệ VN và các nước ASEAN đã được cải thiện trên phương diện các cam kết và giá trị tuyệt đối của dòng luân chuyển hàng hóa và vốn, nhưng xét trong xu hướng vận động chung của nền kinh tế VN thì những kết quả đạt được còn hạn chế.
Tỷ trọng xuất khẩu sang ASEAN trong tổng giá trị xuất khẩu của VN giảm từ 19,3% năm 1995 xuống còn 14,7% năm 2004. Tỷ trọng nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng giảm từ 27,8% xuống còn 23,6%. Tỷ trọng đầu tư từ ASEAN vào VN cũng có xu hướng giảm.
Nếu năm 1996, các nước ASEAN chiếm 19% số dự án đầu tư, 27% vốn đầu tư đăng ký và 18% vốn thực hiện thì đến năm 2004 chỉ còn 13% số dự án, 24% vốn đầu tư đăng ký và 19% vốn thực hiện.
Đâu là nguyên nhân?
Theo TS. Jose L. Tongzon, Trường Đại học Quốc gia Singapore, DNVN chưa biết tận dụng lợi thế về giảm thuế khu vực thương mại tự do dành cho các nước ASEAN (AFTA) để tăng lượng hàng xuất khẩu.
Một số nhận định khác lại cho rằng, xuất khẩu hàng hóa của VN đang có sự chuyển dịch từ các nước ASEAN sang Trung Quốc, một thị trường có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nhu cầu tiêu dùng và cả thị hiếu tiêu dùng rất đa dạng...
Đại diện các hiệp hội lý giải, mặc dù được cắt giảm thuế nhưng các nước ASEAN lại không có năng lực để cung cấp nguyên vật liệu cho VN. Trên thực tế, ASEAN chỉ là nơi trung chuyển nguyên vật liệu từ các quốc gia khác, trong khi thị trường của các DNVN không ngừng được mở rộng. Họ có nhiều lựa chọn để mua nguyên liệu tốt nhất với giá thành hợp lý...
Tuy nhiên, về phía các DN lại cho rằng, chính yếu tố về chính sách phi thuế quan đang cản trở đến việc đưa hàng sang các nước trong khu vực.
Phải xây dựng lộ trình hội nhập đồng bộ
Theo ông Lê Văn Trí, Phó Giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina), việc thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu vỏ ruột xe phải đồng bộ với lộ trình giảm thuế nguyên vật liệu (chưa có) sản xuất vỏ ruột xe. Nếu không có hoặc chậm, sức cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước sẽ giảm.
Năm 2004, chúng ta bỏ biểu giá tối thiểu cho hàng nhập khẩu, nhưng cơ quan thuế không có biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại nên hàng nhập khẩu chịu mức thuế tổng cộng thấp hơn hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh Đô cũng cho rằng: DN xuất khẩu ngày càng quan tâm đến các chính sách phi thuế quan bởi tính đặc thù của các nước ASEAN rất khó dự đoán và kiểm soát được.
Chẳng hạn, khi xuất khẩu bánh Trung thu sang ASEAN thì các nước quy định không được nhập khẩu loại có thịt (trừ Campuchia), thủ tục xin giấy phép nhập khẩu thực phẩm vào Indonesia chỉ cấp 6 tháng một lần làm ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện đơn hàng.
Kinh Đô rất cần thông tin cụ thể về các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa, dịch vụ, các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý... của các nước ASEAN.
Xây dựng một lộ trình thống nhất cho tiến trình hội nhập khu vực giữa mua bán hàng hóa và dịch vụ cũng được nhiều DN quan tâm. Bởi lẽ, hoạt động thương mại được chia thành 2 mảng lớn là thương mại dịch vụ và thương mại hàng hóa. Sự phân chia này dẫn đến tình trạng các tiến trình hội nhập cho thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ được xây dựng theo các lộ trình khác nhau.
Nhưng nếu xem xét dưới góc độ hoạt động kinh doanh của từng DN cụ thể thì hoạt động mua bán hàng hóa thường được tổ chức gắn liền với các hoạt động dịch vụ. Do vậy, xây dựng một lộ trình thống nhất giữa thương mại và dịch vụ là cực kỳ cần thiết, chúng hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện giúp các DN hoạt động tốt hơn...
Vấn đề hội nhập thực chất là vấn đề bên trong biên giới.
Thách thức lớn nhất là sức ép về thời gian và đòi hỏi DN phải vượt qua chính mình. Nhưng bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ từ phía các bộ ngành, đặc biệt nhà nước phải sớm hoạch định một lộ trình hội nhập cụ thể, thống nhất giúp các DN tìm đường đi một cách ngắn nhất.
Thúy Hải