(SGGP).- Chiều 27-3, tại TPHCM, Thứ thưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã chủ trì hội nghị giao ban xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2012 với các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng nhằm tìm biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,54 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, xuất khẩu năm 2012 đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Do khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu dẫn đến kinh tế tại nhiều nước vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, nhập khẩu giảm, đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, nông sản…
Theo đó, giá xuất khẩu hàng hóa năm 2012 có xu hướng giảm sau khi đã tăng mạnh trong năm 2011. Giá xuất khẩu giảm trong khi nhiều DN nhập nguyên liệu từ năm trước với mức cao đã tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các DN do không bán được sản phẩm với giá có lãi, dẫn đến tồn kho lớn, ứ đọng vốn cho sản xuất.
Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội và DN cho rằng, việc tiếp cận các nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn, với DN vay được thì lãi suất quá cao (phổ biến ở 17%-18%/năm) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ giảm sút xuất khẩu trong thời gian tới. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm nay, các hiệp hội và DN kiến nghị Nhà nước cùng với việc thực hiện tốt công tác dự báo thị trường xuất khẩu cần đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; giảm lãi suất vay ngân hàng, đưa về mức 12%-13% mới tạo điều kiện cho DN mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ ngành cần đẩy mạnh việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tạo điều kiện để tăng lượng hàng xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng chủ lực tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản…
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên kết luận, tất cả những khó khăn, vướng mắc của DN sẽ được bộ tổng hợp chi tiết. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền bộ sẽ được giải quyết ngay, những đề xuất hoặc khó khăn vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét và giải quyết sớm, đặc biệt là vốn và lãi suất.
T.Hải