Xuất khẩu phần mềm khẳng định giá trị thực

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) phần mềm Việt Nam đã tạo được danh tiếng trên thị trường thế giới nên nắm được nhiều cơ hội lớn hơn. Điều này cũng có nghĩa qua rồi cái thời thường xuyên bị khách hàng từ chối, phải nhờ mối lái nhưng cũng chỉ có thể nhận được những hợp đồng nhỏ theo dạng cầm tay chỉ việc…

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) phần mềm Việt Nam đã tạo được danh tiếng trên thị trường thế giới nên nắm được nhiều cơ hội lớn hơn. Điều này cũng có nghĩa qua rồi cái thời thường xuyên bị khách hàng từ chối, phải nhờ mối lái nhưng cũng chỉ có thể nhận được những hợp đồng nhỏ theo dạng cầm tay chỉ việc…

Theo báo cáo 100 thành phố hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm do Công ty Tư vấn Tholons công bố năm 2013, Hà Nội và TPHCM nằm trong tốp 25 thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Cụ thể, TPHCM đứng ở vị trí thứ 16 và Hà Nội ở vị trí thứ 23. Còn theo báo cáo của hãng nghiên cứu hàng đầu thế giới Gartner gần đây, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách tốp 30 nước dẫn đầu thế giới về gia công và dịch vụ và tốp 10 châu Á - Thái Bình Dương.

Không chỉ thương hiệu xuất khẩu phần mềm Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu uy tín trên thế giới đánh giá cao mà gần đây, nhiều DN phần mềm Việt Nam cũng đã được cộng đồng thế giới công nhận. Tháng 9 vừa qua, Tạp chí phần mềm của Mỹ (Software Magazine) với 31 năm kinh nghiệm đã đưa ra danh sách 500 công ty cung cấp dịch vụ và phần mềm lớn nhất thế giới. Với doanh thu 81,5 triệu USD và mức tăng trưởng 30,4% trong năm 2012, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) là DN phần mềm Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách này. Trước đó, năm 2012, FPT Software cũng đạt giải thưởng quốc tế “Tốp 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu năm 2012” do Công ty truyền thông Global Services (Ấn Độ) và Công ty tư vấn NeoGroup (Mỹ) đánh giá. Một công ty khác là TMA Solutions được hãng tư vấn Aberdeen Group, Inc của Mỹ (chuyên phân tích thị trường CNTT thế giới) đưa vào danh sách 15 công ty cung ứng dịch vụ gia công phần mềm tốt nhất trong số 52 công ty được khảo sát.

Theo nhận định của hãng nghiên cứu Thonlons, thương hiệu xuất khẩu phần mềm đang chín muồi cùng với các yếu tố về điều kiện kinh tế vĩ mô và quy mô của thị trường nội địa, là những nhân tố thu hút sự quan tâm của các nhà cung cấp dịch vụ lớn vào khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra hướng phát triển đi lên cho các nhà phân phối dịch vụ địa phương trong khu vực Đông Nam Á. Nhận định này có thể được minh chứng qua sự phát triển của các DN phần mềm Việt Nam trong thời gian gần đây. Minh chứng cụ thể nhất là FPT Software ký kết hợp đồng triển khai dự án phát triển giải pháp quản lý hệ thống phân phối trên nền công nghệ mobility (DMS) trị giá hàng triệu USD với một khách hàng là tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Hay ký kết hợp đồng triển khai dự án cung cấp dịch vụ phần mềm với một công ty có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản của Mỹ. Theo đó, FPT Software sẽ chuyển đổi toàn bộ các sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản cho công ty này theo mô hình cung cấp truyền thống sang mô hình phần mềm dịch vụ (SaaS) trên nền công nghệ điện toán đám mây.

Qua đây cũng thấy rõ, nếu như trước kia các DN phần mềm Việt Nam chỉ có thể kiếm được hợp đồng theo dạng cầm tay chỉ việc, thì trong vài năm gần đây, nhiều DN đã có thể đứng ra thực hiện các hợp đồng với đối tác lớn của nước ngoài theo hình thức trọn gói, từ tư vấn, thiết kế đến triển khai giải pháp và dịch vụ phần mềm cho khách hàng, đặc biệt là các giải pháp, dịch vụ theo xu hướng công nghệ mới hiện nay như mobility, cloud computing, big data…

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục