Xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 dự báo đạt 8,6 tỷ USD

Ngày 12-6, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động xuất khẩu.

Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính. Trong đó, thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm như tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.

Ngành thuỷ sản cần đầu tư công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất

Ngành thuỷ sản cần đầu tư công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất

Dự báo, các thị trường thuỷ sản vẫn tiếp tục giảm trong quý 3-2023, cuối năm xuất khẩu chỉ đạt 8,6 tỷ USD.

Đáng quan tâm, Thẻ vàng IUU trong hải sản khai thác cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản. Tôm Ecuador, Ấn Độ có giá thấp hơn 20% so với tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, cá tra khi đối mặt với chi phí thức ăn tăng cao bên cạnh nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Mới đây, VASEP đã khởi động chương trình “Vì một ngành tôm phát triển bền vững”; xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết, cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra.

Thuỷ sản dự báo đạt 8,6 tỷ USD do thị trường gặp khó khăn

Thuỷ sản dự báo đạt 8,6 tỷ USD do thị trường gặp khó khăn

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Khi có các vướng mắc trong xuất khẩu, VASEP kịp thời thông tin bộ, ngành để có giải pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục