Đa dạng sản phẩm xuất khẩu
Liên quan đến vấn đề này, phân tích từ thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, trước hết phải kể đến sự bứt phá mạnh mẽ trong kim ngạch trao đổi thương mại, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Trong 25 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, số liệu của phía Hoa Kỳ ghi nhận, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 450 triệu USD lên 75,7 tỷ USD cuối năm 2019. Từ đầu năm đến nay, tuy chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ dự ước đạt xấp xỉ 80 tỷ USD.
Dự kiến, cả năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung đạt khoảng 267 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 260 tỷ USD, thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua và cả trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào mở rộng thị trường phục vụ phát triển sản xuất, tăng nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện cơ cấu hàng xuất khẩu cũng đã chuyển biến rõ nét. Bên cạnh các nhóm hàng có thế mạnh truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản, các nhóm hàng chế tạo như điện tử, linh kiện, đồ gỗ cũng đã vươn lên vị trí hàng đầu.
Ngoài hợp tác thương mại, nhiều lĩnh vực hợp tác mới đang được thúc đẩy như hợp tác đầu tư, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ như vận tải, giáo dục, viễn thông, năng lượng,… Phạm vi hợp tác đa dạng sẽ tạo nền tảng cho sự gắn kết thực chất, có chiều sâu và bền vững giữa 2 nền kinh tế thời gian tới.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, khẳng định, các kết quả nêu trên có được nhờ nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm khai thác cơ hội thị trường từ 2 nền kinh tế có tính bổ sung lẫn nhau và sự hỗ trợ đồng hành tích cực của 2 Chính phủ. Cần nhấn mạnh thêm rằng, năng lực sản xuất ngày càng phát triển của Việt Nam là nhờ thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước, trong môi trường kinh tế hội nhập sâu rộng. Điều này sẽ tạo điều kiện khai thác hiệu quả các cơ hội kinh doanh mới. Không dừng lại đó, các kết nối ngày càng hoàn thiện hơn về giao thông (hàng không, hàng hải), viễn thông, tài chính, ngân hàng… sẽ góp phần nâng cao hiệu suất kinh doanh. Đặc biệt, quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là sau khi được đẩy nhanh do tác động của dịch Covid-19, sẽ mở thêm cơ hội cho cả hai bên.
Gia cố nội lực để tăng sức cạnh tranh
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,7% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ (hơn 3.000 tỷ USD). Điều này cho thấy dư địa thị trường dành cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng cùng với những cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ thì doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá, Hoa Kỳ luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nhiều năm nữa. Thế nhưng thị trường hấp dẫn này cũng là thị trường cạnh tranh gay gắt nhất. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ từ khắp nơi trên thế giới. Không những vậy, ở thị trường này nhu cầu thay đổi nhanh chóng, luôn xuất hiện những yêu cầu mới, cao hơn, đòi hỏi sự thích ứng nhanh nhạy từ nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự thay đổi trong các biện pháp, chính sách quản lý thương mại, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là thử thách không nhỏ đối với các nhà xuất khẩu nước ngoài, trong đó có Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp chưa tích lũy đủ thông tin, nguồn lực, kinh nghiệm cần thiết để gia nhập và chịu được sức ép cạnh tranh tại thị trường khó tính này.
Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục thuộc về nhóm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử, linh kiện, đồ gỗ nội thất… dù mỗi nhóm hàng có thể phải đối mặt với khó khăn khác nhau từ thị trường hay môi trường chính sách. Với nhóm hàng nông sản, hoa quả tươi sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường với quá trình hoàn thiện công nghệ bảo quản và chuỗi phân phối. Riêng các sản phẩm cơ khí, chế tạo cũng có cơ hội từng bước tham gia thị trường nhờ năng lực sản xuất ngày càng nâng cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Sản xuất và xuất khẩu đi Hoa Kỳ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất với doanh nghiệp.