Xung đột mới từ mâu thuẫn cũ

Tờ New York Times ngày 4-10 có bài phân tích về tình hình xung đột ngày càng leo thang giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời cảnh báo nguy cơ lan rộng, kéo theo các nước trong khu vực. 

Binh sĩ Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh
Binh sĩ Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh

Giao tranh gây nhiều tổn thất

Giới chức 2 nước Armenia và Azerbaijan cho biết, các lực lượng của cả hai bên đã giao tranh dữ dội ở khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia, bà Shushan Stepanyan, ít nhất 51 tay súng của Azerbaijan ở khu vực Nagorno - Karabakh thiệt mạng trong các vụ đụng độ và 3 máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan đã bị bắn hạ. 

Kênh Telegram Life Shot đưa tin, có nhiều tiếng nổ vang lên ở thủ phủ Stepanakert của khu vực Nagorno - Karabakh. Kênh này còn đăng tải một đoạn video ghi lại hình ảnh đường phố Stepanakert với những người dân đang hoảng sợ chạy tìm nơi trú ẩn giữa làn khói, những tiếng nổ và còi báo động. Kênh Bagramyan 26 của Armenia cũng đưa tin Stepanakert bị bắn tên lửa. Theo một số nguồn tin, đạn pháo đã rơi xung quanh cơ quan ngoại giao của Nagorno - Karabakh. 

Quân đội Azerbaijan cho biết, đang mở rộng phi đội UAV để phá hủy các hệ thống phòng không di động, xe tăng và nhiều phương tiện khác của Armenia. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng công bố các video clip cho thấy các UAV không kích vào các cứ điểm của lực lượng Armenia. Các cuộc không kích của Azerbaijan cũng làm hư hại hoặc phá hủy nhiều xe tăng T-72, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2, xe tải của phe ly khai và của lực lượng Armenia.

Về phần mình, các lực lượng Armenia tuyên bố đã bắn rơi 4 trực thăng của Azerbaijan, một trong số đó được cho là máy bay vận tải Mi-8 Hip, cùng nhiều UAV khác. Giới chức Azerbaijan đã thừa nhận mất một máy bay trực thăng, song cho biết phi hành đoàn đã thoát nạn. Còn các lực lượng tại Nagorno - Karabakh do Armenia hậu thuẫn cũng công bố hình ảnh sử dụng tên lửa dẫn đường chống tăng phá hủy một số lượng lớn xe tăng và các phương tiện quân sự khác của Azerbaijan.

Nhân tố hóa giải then chốt

 Đến thời điểm hiện tại, nhiều nỗ lực quốc tế đã được triển khai, song chưa mang lại hiệu quả cụ thể. Tuy nhiên, là quốc gia có lợi ích và và lợi thế để đóng vai trò trung gian hòa giải, hạ nhiệt xung đột biên giới Armenia - Azerbaijan, Nga được kỳ vọng là có thể đem đến thay đổi cần thiết.

Về lợi ích, cả hai nước đều thuộc Liên Xô cũ, xung đột leo thang không chỉ ảnh hưởng tới ổn định chính trị, an ninh khu vực, mà còn tác động tiêu cực tới các nước láng giềng, có thể bùng phát thành chiến tranh cục bộ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh khu vực quan trọng nhất của Azerbaijan và sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ kinh tế - quân sự để giúp Azerbaijan. Theo nhà nghiên cứu Thomas de Waal của Viện Nghiên cứu Carnegie châu Âu, nếu lãnh thổ Armenia bị tấn công, Nga sẽ buộc phải đối đầu với một Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Ngoài ra, đây còn là cơ hội lớn để Nga tiếp tục khẳng định vị thế nước lớn.

Về lợi thế hóa giải, Nga có một căn cứ quân sự tại thành phố lớn thứ hai của Armenia, đồng thời có vai trò then chốt trong hỗ trợ và bảo đảm khí tài quân sự. Trong khi đó, Azerbaijan hiện vẫn sở hữu lượng lớn khí tài Nga. Vì thế, tiếng nói của Nga trong xung đột biên giới này có thể nhận được sự chú ý của cả hai bên. Tiếp đến, Nga từng làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn tháng 5-1994 và góp phần kết thúc cuộc chiến tranh 4 ngày hồi năm 2016. Kiến thức về lịch sử quan hệ, kinh nghiệm trong thương thảo đàm phán với Armenia và Azerbaijian được đánh giá là ưu thế quan trọng của Nga.

Trung tâm Thông tin thống nhất Armenia cho biết, 2 nhà báo làm việc cho tờ Le Monde của Pháp, 1 nhân viên điều hành của kênh truyền hình Armenia và 1 phóng viên của kênh Armenia 24news đã bị thương trong vụ các cuộc tấn công ở Nagorno - Karabakh.

Tin cùng chuyên mục