Xuôi ngược thương hồ

Xuôi ngược thương hồ

1- Những ngày giáp tết trên dòng kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ  ở TPHCM thuyền ghe tấp nập, đậu ken nhau dọc dài trên bến sông. Đó là những ghe thương hồ xuôi ngược từ các tỉnh miền Tây chở đủ loại hàng hóa nông sản miệt vườn lên thành phố bán tết. Nào là dưa hấu, chuối, gạo, dừa, cam quít, mận, xoài… đặc biệt là các loại hoa kiểng đủ màu khoe sắc, giúp những dòng kênh thêm tươi tắn rộn ràng hẳn lên. Tôi có cảm nhận nơi đây dường như mùa xuân đã về sớm.

Chợ hoa Bến Bình Đông nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Chợ hoa Bến Bình Đông nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Trong một đêm đi ngang kênh Tẻ, tôi nhìn trên dốc cao, cầu Kênh Tẻ bề thế uy nghi lồng lộng giữa trời đêm, như dải lụa đủ sắc màu tuyệt đẹp, vắt ngang dòng kênh sâu thẳm màu mây in đáy nước, soi bóng xe cộ dập dìu qua lại. Cầu Kênh Tẻ cũng như những chiếc cầu mới mọc lên trên rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ: cầu Khánh Hội, Ông Lãnh, Calmette, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương… là hình ảnh chẳng những phát triển về giao thông mà về mọi mặt, làm cho thành phố này đẹp thêm, người dân qua lại dễ dàng, không còn cảnh ùn tắc giao thông như trước nữa.

Đèn đường đã sáng từ lâu, cảnh buôn bán nơi này thêm phần nhộn nhịp, những chiếc xe ba gác, xe lam, xe tải nhỏ… nườm nượp đến chở hàng về khắp nơi, họ chính là những người âm thầm chuẩn bị cho mùa xuân này thêm vui tươi hơn, đẹp đẻ hơn. Vô tình tôi gặp người quen ở cạnh nhà, chị đến mua hoa kiểng về bán tết. Chị cho biết lâu lắm rồi, tết năm nào cũng đến đây lấy hàng về bán, nhờ những người đồng hương quê Tiền Giang là thương lái, họ cho thiếu gối đầu, bán xong rồi trả. Có năm bán cây trái, năm nay chị bán hoa kiểng.

Chị nhoẻn miệng cười lúm đồng tiền, khoe hàm răng đều như hạt bắp, tâm đắc nói với tôi: “Coi vậy cũng sống được anh à, nếu mình biết chịu khó làm ăn cũng lo được cái tết tươm tất”. Chị cho biết thêm: Theo mấy người bạn ghe thương hồ nhận định, thị trường cây kiểng năm nay bán được, nhất là hoa mai, vì thời tiết thuận mùa. Hơn nữa, mọi người có thói quen trong nhà mấy ngày tết phải có hoa mai, biểu tượng của sự may mắn, tinh tấn. Đặc biệt, đời sống của bà con ngày một nâng cao, thì chuyện bỏ tiền ra mua vài chậu mai chưng ba ngày tết cũng bình thường”.

Trong lúc đứng nói chuyện với tôi, có nhiều khách dừng xe lại hỏi mua mai. Loại mai bon sai từ 250.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/chậu. Còn mai nguyên cây trổ nhiều nụ từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng/cây. Chưa đầy một giờ chủ ghe đã bán được 5 cây mai. Tôi hỏi chuyện hai vợ chồng vừa mua xong chậu mai 600.000 đồng, người vợ nhanh nhẩu trả lời: “Mấy năm trước tôi mua 2 chậu quất (tắc) gần hai triệu đồng, nhưng hết tết kể như bỏ luôn. Còn mua mai, dù có hết tết vẫn còn giữ lại tạo thành vườn nhà xinh đẹp, tết năm sau mai lại ra hoa, mình tiếp tục mang ra trang trí nhà cửa”.

2- Đêm về khuya, sương mù giăng giăng trên mặt nước, dòng kênh Tàu Hủ lặng lẽ in hình những ánh đèn đường lung linh. Đường Bến Bình Đông đã vắng người qua lại, trên mui những chiếc ghe thương hồ, nhiều người đã nằm ngủ sau một ngày nhọc nhằn mưu sinh. Tôi dừng lại xem những chậu mai rất đẹp vừa khiêng dưới ghe lên đặt dài theo bờ kênh. Người chủ ghe với nét mặt phấn khích tiếp chuyện với tôi, người khách muộn màng: “Ghe chúng tôi chở cây kiểng từ miệt Cái Mơn, Sa Đéc lên đây bán gần 10 ngày, nay đã hết rồi, con nước lớn khuya nay phải quay về chở hàng lên bán tiếp”. “Sao không chở bằng xe cho nhanh, khỏi tốn công chạy ghe về, rồi chạy ghe lên”.

Tôi thắc mắc hỏi. Anh cười đôn hậu: “Chở bằng xe đâu tiện bằng ghe. Xe chạy dằn sóc làm rụng bông hết, tiền vận chuyển lại cao. Chở bằng ghe chất nhiều, cây không bị động, giá thành rẻ, lợi hơn nhiều. Tôi mời anh điếu thuốc lúc nghe anh kể chuyện làm ăn: “Tôi chuyên sống bằng nghề buôn bán cây kiểng này hơn 20 năm rồi. Gần tết tôi đi thu mua của các nhà vườn, nhờ vậy tôi biết từng khu vực nơi nào có loại kiểng tốt, xấu, loại nào hiếm, loại nào nhiều sẽ dội chợ. Từ đó sẽ tiên đoán trước thứ nào bán được, thứ nào bị chựng, căn cứ vào đó mà thu mua. Sau khi bán hết hàng, tôi cũng quan sát tình hình khách hàng đang chuộng loại nào, tôi điện về nhà cho người thu mua sẵn, ghe vừa về tới là chất đi liền, chỉ mất hơn một ngày ghe tôi chở hàng lên tới rồi”.

Trước khi chia tay với anh, tôi ướm hỏi vui, nhưng cũng hết sức thực tế: “Bán xong chuyến hàng này, anh kiếm được bao nhiêu?”. Anh cười xòa thoải mái: “Thì cũng chừng mười mấy triệu thôi, lấy công làm lời mà”.

Lộc Nguyễn

Tin cùng chuyên mục