
Trong chuyến thăm người thân bằng xe gắn máy ở các xã vùng sâu của tỉnh Bình Phước và Đắc Nông, chúng tôi rất vui khi được đi trên những tuyến đường nhựa do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Nhờ những tuyến đường trải nhựa thông suốt mà bộ mặt kinh tế các xã vùng sâu của các tỉnh Tây Nguyên đổi thay từng ngày.

Tuy nhiên đường giao thông nông thôn (GTNT) vào các xã vùng sâu vùng xa ở hai tỉnh Tây Nguyên này quanh co, nhiều dốc ngắn, nhiều cầu, lắm “cua cùi chỏ” rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, trong khi trên các tuyến đường này lại thiếu biển báo. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông kinh hoàng.
Công tác bảo dưỡng các tuyến đường này của các cơ quan chức năng quá kém, dẫn đến hiện trạng các tuyến đường GTNT sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng: Đường qua xã Đoàn Kết và một số xã khác (Bù Đăng, Bình Phước) đi huyện Đạ Tẻ, Cát Tiên (Lâm Đồng) rất nhiều dốc ngắn, gấp, đường có nhiều vực rất nguy hiểm nhưng các biển báo trên đường thưa thớt, không hợp lý, chưa đủ sức cảnh báo người tham gia lưu thông. Người dân địa phương than rằng: Tại cầu Dốc Lạnh trên tuyến đường này ngoài nạn cướp thì với các đặc điểm cua gấp, dốc ngắn, khuất, nhiều ổ gà ở chân dốc sát cầu đã gây ra không ít tai nạn. Đường Trần Phú vào xã vùng sâu Đạo Nghĩa (Kiến Đức, Đắc Nông) nhiều đoạn đường dốc bị hư hại nặng. Đặc biệt tại dốc 30, nhựa đường bị bong tróc lòi đá lên (ảnh) đã gây ra nhiều tai nạn trong thời gian dài.
Việc nhựa hóa các tuyến đường GTNT vào các xã vùng sâu vùng xa là rất cần thiết, nhưng công tác bảo dưỡng các tuyến đường này cũng cần được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức để tránh những tai nạn thương tâm.
Văn Ký (TPHCM)