Ý thức tiêu dùng bền vững chưa được quan tâm

Một nghiên cứu gần đây nhất liên quan đến hoạt động tiêu dùng bền vững trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp TPHCM do Trường Đại học Bách khoa TPHCM thực hiện cho thấy, rất ít doanh nghiệp và người dân quan tâm tiêu dùng những sản phẩm có lợi cho môi trường.

Một nghiên cứu gần đây nhất liên quan đến hoạt động tiêu dùng bền vững trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp TPHCM do Trường Đại học Bách khoa TPHCM thực hiện cho thấy, rất ít doanh nghiệp và người dân quan tâm tiêu dùng những sản phẩm có lợi cho môi trường.

Theo kết quả khảo sát trên 60 doanh nghiệp và 1.400 người dân, hầu hết cả lãnh đạo doanh nghiệp lẫn người dân khu vực nội thành và ngoại thành đều nhận thức mơ hồ về tiêu dùng bền vững. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, những yếu tố liên quan đến chi phí đầu tư, lợi nhuận, hiệu quả kinh tế vẫn là quyết định. Do đó, những giải pháp thân thiện môi trường mà các doanh nghiệp thực hiện phổ biến là tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu sản xuất… nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư cũng như sản xuất.

Riêng với đối tượng người tiêu dùng, các nhóm dân số có điều kiện kinh tế - xã hội không thuận lợi thì có kiến thức về môi trường kém hơn các nhóm dân số khác. Động lực thúc đẩy người dân thực hiện hành vi thân thiện với môi trường đơn giản chỉ là để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Do vậy, những hành vi thân thiện môi trường cũng chỉ giới hạn ở mức thực hiện tiết kiệm điện, nước. Số ít chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, xăng sinh học và túi bao bì tự hủy.

PGS-TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa, cho biết để góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư cũng như doanh nghiệp, TPHCM đã thực hiện rất đa dạng hoạt động tuyên truyền.

Đơn cử như chương trình Ngày hội tái chế chất thải, Tháng hành động không sử dụng túi ni lông, Chiến dịch Tiêu dùng xanh… Các chương trình đều đạt những hiệu quả cao khi luôn đảm bảo tính đa dạng và tính mới của các hoạt động, tạo được sức hút lớn cho cộng đồng; phù hợp với xu thế mới của môi trường. Đặc biệt, đáp ứng quyền lợi của các thành phần trong cộng đồng, do vậy, nhận được sự đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, để có thể xanh hóa lối sống trong cộng đồng, vẫn còn nhiều giải pháp đồng bộ khác cần được triển khai. Trong đó, biện pháp mấu chốt nhất là các cơ quan chức năng cần sớm hoàn chỉnh quy định pháp lý về tiêu dùng bền vững như mua sắm xanh, phổ quát nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng trên hệ thống bao bì sản phẩm, tạo điều kiện để người dân dễ dàng nhận diện và thực hiện ưu tiên tiêu dùng; thực đồng bộ quy định buộc thu hồi sản phải thải bỏ sau sử dụng đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại…

Song song đó, cần tích cực áp dụng giải pháp hỗ trợ sản xuất sạch, xanh cho doanh nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ vốn. Hiện đã có những chính sách hỗ trợ vốn cho hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho doanh nghiệp nhưng còn rất hạn chế. Đơn cử như Quỹ Tái chế chất thải TPHCM chỉ có vốn điều lệ khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó, một doanh nghiệp được hỗ trợ vốn vay tối đa là 7 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để có thể cải tạo dây chuyền sản xuất đảm bảo yếu tố giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì 7 tỷ đồng chỉ là “như muối bỏ bể”.

Mặt khác, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ, vận động và tuyên truyền doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, nhất thiết phải áp dụng những giải pháp chế tài chặt chẽ. Thực trạng xả rác của người dân và xả chất thải chưa qua xử lý của doanh nghiệp ra môi trường đang trở thành hành vi gây ô nhiễm môi trường nhức nhối trong xã hội. Những hệ lụy từ những hành vi trên đã thể hiện rõ qua kết quả quan trắc chất lượng nước sông, kênh rạch, nước biển suy thoái nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp ngược lại đến sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, những biện pháp chế tài hành vi trên còn khá lỏng lẻo. Nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát hết chất lượng nguồn thải của doanh nghiệp.

Còn đối với hành vi xả thải bừa bãi của người dân thì dù đã có những quy định xử phạt nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được lực lượng nào có chức năng thực thi vấn đề này. Cải thiện được nội lực quản lý của đội ngũ cơ quan chức năng về lĩnh vực môi trường cũng là vấn đề cần phải tính đến và cấp thiết thực hiện, nhất là trong bối cảnh chất lượng môi trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục