Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp đã kết thúc với Hiệp uớc Paris được ví như một thỏa thuận lịch sử để bảo vệ Trái đất và nhân loại. Nhưng chắc không nhiều người biết rằng một sự kiện được ví như Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu của công dân toàn cầu cũng diễn ra ngay trên đất Pháp trong những ngày họp của COP21.
Cuộc hội ngộ của những công dân muốn thể hiện tình yêu, trách nhiệm với hành tinh xanh, khát khao theo đuổi mục tiêu xây dựng một thế giới phát triển bền vững diễn ra ở TP Montreuil, ngoại ô Paris. Các tổ chức xã hội của Pháp, những người tổ chức sự kiện này, cho biết uớc tính khoảng 30.000 người đã tham gia. Trải nghiệm thực tế tại “ngày hội vì môi trường” này mới thấy chống biến đổi khí hậu của người dân toàn cầu đa dạng biết bao.
Nổi bật tại khu vực diễn ra sự kiện là bức tượng lớn mô phỏng tượng Nữ thần tự do của Mỹ nhưng đang phun khói nghi ngút lên trời. Bức tượng đầy tính châm biếm này có tên gọi Tự do gây ô nhiễm, nghe đâu tác giả là một nghệ sĩ người Đan Mạch. Dí dỏm, hài hước nhưng cũng đầy chua xót!
“Cây ước mơ” cũng là nơi thu hút rất nhiều người xem, đủ mọi lứa tuổi. Ai cũng có thể treo lên chiếc cây này một dải lụa nhỏ, ghi trên đó những hy vọng về một điều tốt đẹp. Một bé gái còn rất nhỏ được bố bế lên để tận tay treo điều ước của bé lên cây. Có một mảnh lụa nhỏ ghi rằng: “Tôi mong rằng con gái tôi sẽ vẫn được thấy các loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”.
Nói chuyện với chị Ariane, làm việc trong lĩnh vực xây dựng, chị cho hay đây là một trong những nghề mang lại rất nhiều ô nhiễm cho môi trường. Nhưng chị vẫn có những nỗ lực riêng để giảm thiểu tác hại như lựa chọn các sản phẩm, vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng; cố gắng chọn lọc những gì có thể giữ lại khi phá các nhà cũ. Đối với những nơi ở mới, để tránh lãng phí, không trang bị toàn bộ nếu như không biết trước được người sử dụng cuối cùng muốn gì. Ví dụ như không đặt thảm vì có thể người sử dụng trong tương lai muốn một thứ khác.
Trong khi đó, một nông dân đến từ miền Nam nước Pháp cho biết, anh đến đây không phải để quảng cáo cho nông sản riêng của bản thân, mà cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững của cả vùng nơi anh ở. Anh nhấn mạnh đến ý nghĩa vô cùng lớn của những hành động thông thường. Việc chúng ta lựa chọn ăn gì sẽ tác động trực tiếp đến việc các sản phẩm nào sẽ được tạo ra, loại hình nông nghiệp nào sẽ được thiết lập. Những việc này để lại các hệ quả vô cùng to lớn đối với đời sống, cảnh quan của một vùng đất.
Chị Jane, một nhà hoạt động xã hội cho rằng, nếu mỗi người dân trên toàn cầu đều có ý thức, bằng những hành động rất nhỏ thôi cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Nhưng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ không thể thành công nếu không có sự nỗ lực của cả chính phủ các nuớc, đặc biệt là chính quyền địa phương. Rời Montreuil, câu nói của chị Jane cứ quẩn quanh trong đầu. Đúng thật! Đơn cử như ở nước mình, không còn nạn lâm tặc, chặt phá rừng đầu nguồn, thì bà con miền Trung đâu phải oằn mình gánh lũ mỗi khi mùa mưa đến.
GIANG BÌNH