Ghép tạng - một “nét son” y học

Dù không còn mới mẻ với y học thế giới nhưng ghép tạng vẫn luôn là một kỹ thuật y khoa khó, đòi hỏi chuyên môn cao. Đối với Việt Nam, mãi đến năm 1992 mới có ca ghép thận đầu tiên và kể từ đó đến nay, những kỹ thuật ghép tạng như ghép thận, gan, tim đều đã gặt hái thành công. Với TPHCM, kỹ thuật ghép tạng cũng chỉ thành thạo khoảng 10 năm trở lại đây, song lại là “nét son” tiêu biểu cho nền y học nước nhà.
Ghép tạng - một “nét son” y học

Dù không còn mới mẻ với y học thế giới nhưng ghép tạng vẫn luôn là một kỹ thuật y khoa khó, đòi hỏi chuyên môn cao. Đối với Việt Nam, mãi đến năm 1992 mới có ca ghép thận đầu tiên và kể từ đó đến nay, những kỹ thuật ghép tạng như ghép thận, gan, tim đều đã gặt hái thành công. Với TPHCM, kỹ thuật ghép tạng cũng chỉ thành thạo khoảng 10 năm trở lại đây, song lại là “nét son” tiêu biểu cho nền y học nước nhà.

Một ca ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Tay nghề đã… ngọt!

Vừa kỷ niệm 10 năm thành tựu ghép tạng, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TPHCM không khỏi tự hào vì đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Trong 10 năm qua, BV đã thực hiện ghép tạng 63 trường hợp và số bệnh nhân được ghép tạng tăng dần qua các năm. Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Thận - Nội, cho biết đã có nhiều trường hợp tưởng như không thể cứu chữa, nhưng với kỹ thuật ghép tạng của BV đã níu giữ được mạng sống. “Không nhớ hết những ca ghép thận giúp người bệnh thêm cơ hội sống, nhưng cũng có những câu chuyện khó quên”, BS Dung tâm sự. Tuy rằng vẫn có những rủi ro nhất định nhưng tỷ lệ thải ghép, biến chứng vẫn ở mức thấp và nằm trong tỷ lệ cho phép của y học thế giới. Dù vậy vẫn có những trường hợp chưa hẳn y học các nước làm được nhưng Việt Nam làm được. Điển hình như trường hợp bệnh nhân H.T.Lam Thanh (40 tuổi, ngụ TPHCM), tưởng như bế tắc và đặt dấu chấm hết khi suy thận giai đoạn cuối, nhưng nhờ được ghép thận từ nguồn người thân nên đã “từ cõi chết trở về”… Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết hiện có 112 bệnh nhân ghép tạng đang được BV theo dõi, trong đó có 106 ca ghép thận, 4 ca ghép gan và 2 ca ghép thận - tụy. “Kỹ thuật ghép của BV đã có nhiều tiến bộ, từ chỗ cần sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, đến nay, BV có thể tự thực hiện. Số ngày theo dõi hậu phẫu được rút ngắn, trước đây khoảng 1 tháng, nay còn dưới 2 tuần. Tỷ lệ tử vong giảm và hầu như không có bệnh lý nhiễm trùng hoặc nội khoa nặng sau ghép, đe dọa tính mạng bệnh nhân”, BS Báu chia sẻ.

Cũng chừng ấy thời gian, kể từ năm 2004, BV Nhi đồng 2 TPHCM mới thực hiện ca ghép tạng đầu tiên. Đó là trường hợp ghép thận được thực hiện ngày 14-6-2004 cho cháu Huỳnh Nguyễn Nhật Trúc (12 tuổi, ở tỉnh Gia Lai) với kíp phẫu thuật gồm 70 giáo sư, bác sĩ, chuyên viên Pháp - Việt. Người cho thận là mẹ của cháu Trúc. Sau ca mổ, cháu Nhật Trúc sức khỏe ổn định. Đây là ca ghép tạng tạo cơ sở ban đầu cho việc tiến tới ghép thận thường xuyên tại BV Nhi đồng 2. Trong 10 năm, BV đã ghép thận cho 12 trẻ và ghép gan cho 8 trẻ. Tiến sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết hiện kỹ thuật ghép thận, gan của đội ngũ y bác sĩ BV đã “ngọt” và tự tin hơn trước nhiều. “Thay vì trước đây phải nhờ đến các chuyên gia nước ngoài như Pháp, Bỉ thì nay các y bác sĩ của ta có thể làm được”, tiến sĩ Định phấn khởi.

Riêng BV Chợ Rẫy TPHCM, dù không thuộc hệ thống y tế TPHCM nhưng đã gần gũi với thành phố mang tên Bác suốt nhiều năm qua. Nơi đây đã bước thêm một bước trong kỹ thuật ghép tạng, đó là ghép gan thành công cho trường hợp người cho gan còn sống. Đây là kỹ thuật khó mà thế giới cũng chưa thực hiện phổ biến. Đã có hai trường hợp ghép gan nguồn cho từ người sống được thực hiện tại BV Chợ Rẫy, mở ra cơ hội cho những bệnh nhân xơ gan, ung thư gan.

Ngang tầm quốc tế

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kỹ thuật ghép tạng đã được các y bác sĩ trong nước quan tâm từ rất sớm, nhưng đến năm 1992 mới thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại BV Quân y 103. Từ thành công ban đầu đó, đến nay đã có 102 cơ sở y tế trên cả nước đủ điều kiện ghép tạng. Trong đó, TPHCM được đánh giá là có thành tựu ghép tạng tiêu biểu nhất cả nước. “Thay vì trước đây người dân phải đi Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và cả Mỹ để ghép thận, gan, tim thì nay Việt Nam làm tốt, chi phí lại rẻ”, PGS Khuê khẳng định.

Theo các chuyên gia y tế, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngay cả một số nước khác cũng đang cử bác sĩ sang Việt Nam học hỏi. Nói về những thành tựu ghép tạng của y học TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhìn nhận: “Nếu như những năm 1990, thế giới đã thành thạo ghép tạng thì nước ta còn mò mẫm, nhưng chỉ sau 10 năm đã tiếp cận và thực hiện hoàn hảo”.

Thực tế, nguồn tạng để ghép hiện rất khan hiếm, vì vậy còn nhiều trường hợp khắc khoải chờ nguồn tạng để ghép. Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa Ngoại gan - mật - tụy BV Chợ Rẫy, mỗi năm nơi đây có hơn 1.000 trường hợp cần ghép gan, thận… nhưng nguồn tạng không đáp ứng đủ. Việc cho, hiến tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn và không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng đáp ứng các quy định (bệnh nhân phải là thân nhân của người hiến tạng sống hoặc được cho tạng từ người đã bị chết não). Chứ kể việc người cho tạng không chỉ phải đảm bảo các chỉ số phù hợp mà còn cần phải vượt qua được rào cản tâm lý.

Theo thống kê, đến nay Việt Nam có gần 900 người được ghép thận, 36 người được ghép gan và 9 người được ghép tim. Tuy nhiên do nguồn tạng khan hiếm nên số lượng người được ghép tạng thời gian qua còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề nguồn tạng đang rất bức thiết để cứu sống hàng ngàn người bệnh hiện nay.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục