Zika có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn

Zika có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn

(SGGP).- Ngày 5-11, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhằm mục tiêu tăng cường khả năng dự phòng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nhất là nhóm phụ nữ mang thai, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 5-11, cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với virus Zika, trong đó TPHCM có 29 ca, Đắk Lắk 2 ca, Bình Dương 2 ca, Khánh Hòa 1 ca, Phú Yên 1 ca và Long An 1 ca. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, số lượng ca nhiễm Zika tại TPHCM tăng lên trong thời gian qua do ngành y tế TPHCM đang tăng cường giám sát dịch tại đây. Trong quá trình giám sát, các bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh, trên cơ sở tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh do virus Zika, nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Đáng chú ý, vấn đề cần được quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là phải đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika. Theo nhiều chuyên gia y tế, với việc phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ có liên quan tới virus Zika ở Đắk Lắk, thì rất có thể trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới Zika và dị tật đầu nhỏ ở trẻ. Thống kê cho thấy, các bà mẹ nhiễm Zika sinh con bị dị tật đầu nhỏ chiếm tỷ lệ từ 1%-10%.

Zika có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn

Trước mối nguy hiểm của virus Zika đối với phụ nữ mang thai, PGS-TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, Việt Nam hiện đã có hệ thống chẩn đoán trước sinh, do đó phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai vào các giai đoạn: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Nếu tuân thủ theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp thai nhi bị đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não, nên ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai nên đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh do virus Zika vẫn diễn biến phức tạp, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika; dịch Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực (muỗi truyền sốt xuất huyết), gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục