Gian nan chống buôn lậu qua biên giới

Tại các địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam, tình trạng buôn lậu cuối năm đang diễn biến phức tạp và vô cùng tinh vi. Chưa bao giờ việc chống buôn lậu gặp khó khăn, vất vả như hiện nay. Bởi dân buôn lậu luôn cử người theo dõi rất sát “nhất cử nhất động” của lực lượng chức năng…
Gian nan chống buôn lậu qua biên giới

Tại các địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam, tình trạng buôn lậu cuối năm đang diễn biến phức tạp và vô cùng tinh vi. Chưa bao giờ việc chống buôn lậu gặp khó khăn, vất vả như hiện nay. Bởi dân buôn lậu luôn cử người theo dõi rất sát “nhất cử nhất động” của lực lượng chức năng…

Hàng loạt kho hàng lậu cặp sát biên giới

Chúng tôi đến xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nơi có chung biên giới đường sông Sở Thượng với nước bạn Campuchia, và cách trung tâm huyện Hồng Ngự khoảng 7km. Nơi đây được đánh giá là địa điểm “lý tưởng” để vận chuyển hàng lậu vào nội địa, sau đó đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh thành ĐBSCL.

Từ ấp 1 (xã Thường Thới Hậu B), nhìn qua bờ bên kia sông Sở Thượng là hàng loạt các kho chứa hàng trải dọc tuyến biên giới. Cạnh những kho hàng là đội quân “xuồng cao tốc” đang chờ trực để tuồn hàng đi bất cứ lúc nào. Một cán bộ trinh sát thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thường Phước, nói: “Chỉ đợi lúc sơ hở là hàng lậu được tuồn qua biên giới rất nhanh. Khi đến điểm tập kết, hàng lậu được chất lên xe mô tô chạy như bay vào nội địa hoặc tẩu tán đi nơi khác tiêu thụ…”.

Những “ma tốc độ” chở thuốc lá lậu bị Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang.

Tại thành phố Châu Đốc (An Giang), hàng hóa nhập lậu chủ yếu qua phường Vĩnh Ngươn, nơi tiếp giáp với huyện Borey Chosa, tỉnh Tà Keo (Camphuchia). Khu vực gần nhất chỉ cách biên giới khoảng 1,5km là nơi tập kết hàng hóa phía nước bạn có biệt danh nổi tiếng là Gò Tà Mâu. Tại đây có 17 cửa hàng kinh doanh, kho chứa hàng với đầy đủ các mặt hàng, như: mỹ phẩm, thuốc lá, rượu, đường cát, đồ điện tử… Dân buôn lậu dùng xe mô tô, ghe, xuồng cao tốc luôn trong trạng thái sẵn sàng để tuồn hàng qua Việt Nam bằng các đường mòn, kênh rạch.

Khi hàng lậu qua biên giới sẽ được tập kết tại khu vực ấp Vĩnh Chánh 1, 2, 3 (phường Vĩnh Nguơn); khóm Vĩnh Chánh, khóm Vĩnh Phú, khóm 7, (phường Châu Phú A, TP Châu Đốc) rồi chờ thời điểm thích hợp sẽ thâm nhập sâu vào nội địa tiêu thụ. Còn tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), hàng nhập lậu qua địa bàn khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên tiếp giáp với huyện Krivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia).

Lực lượng Công an An Giang bắt giữ thuốc lá lậu.

Ở vùng biên huyện An Phú (An Giang) tình hình buôn lậu đường cát Thái Lan thường xuyên “nóng”. Theo Trung tá Nguyễn Nhật Trường, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về Quản lý kinh tế và chức vụ, Công an An Giang: Các đối tượng cử người “canh” lực lượng chức năng liên tục. Khi có điều kiện là chở đường qua bờ Việt Nam nhập kho, rồi đưa lên xe tải rất nhanh. Nếu bị phát hiện, bọn chúng liền cho ghe chạy ngược về phía bờ Campuchia.

Dân buôn lậu dùng ghe máy khoảng 20 - 25 tấn làm kho chứa đường cát trên sông neo đậu bên kia sông Bình Di, thuộc địa phận Campuchia. Khi thay đổi bao bì xong, thì đưa xuống xuồng máy hoặc ghe nhỏ chạy tốc độ cao để đưa hàng vào các kho lớn, sau đó chuyển lên xe tải tuồn vô nội địa tiêu thụ.

Đe dọa lực lượng chức năng

Các đối tượng buôn lậu hoạt động hết sức tinh vi và táo tợn, sẵn sàng huy động lực lượng chống trả khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Điển hình như ngày 3-10, lực lượng chống buôn lậu của tỉnh An Giang, bao vây kho chứa hàng lậu quy mô lớn của “bà trùm” Nguyễn Thị Ngọc Vân (49 tuổi, ngụ thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên). Phát hiện, bà Vân liền tắt hệ thống điện trong nhà, chuyển thuốc lá lậu trên gác xuống đất để chuẩn bị tẩu tán. Đồng thời, bà trùm này gọi điện thoại huy động hơn 200 đối tượng bốc xếp ở các kho hàng gần đó đến “giải cứu” hàng lậu. Nhiều đối tượng kích động la ó, đe dọa lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, kêu gọi đám đông phá vòng vây cướp hàng lậu.

Khoảng 30 phút sau, bất ngờ kho hàng lậu bốc cháy. Lực lượng công an phá cửa cứu bà Vân và đứa cháu ngoại (2 tuổi) bị bỏng đưa đi cấp cứu. Lúc này, hàng trăm đối tượng kích động xông vào kho hàng của bà trùm để đẩy hàng hóa vào lửa hòng phi tang tang vật. Các đối tượng còn sử dụng dao, vỏ chai bia đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ…

Căn nhà và kho hàng của bà Vân bị lửa thiêu rụi, nhưng lực lượng công an thu giữ hơn 122.000 gói thuốc lá lậu, hơn 140 thùng bia, nước giải khát do nước ngoài sản xuất, cùng với nhiều chai rượu ngoại… Cơ quan chức năng xác định số lượng hàng lậu bị lửa thiêu rụi lớn gấp nhiều lần số hàng còn sót lại sau vụ phóng hỏa.

Tuần tra chống buôn lậu ở biên giới An Giang.

Cuối năm 2012, cơ quan chống buôn lậu tỉnh An Giang đã đưa mặt hàng đường cát, thuốc lá điếu vào “diện” chống buôn lậu trọng điểm. Song, khi lực lượng liên ngành đóng chốt ngăn chặn ở khu vực này thì bọn buôn lậu chuyển sang địa bàn khác hoạt động, khiến công tác chống buôn lậu hết sức gian nan.

Ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, bức xúc: “Chúng tôi đã đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam không bán hàng cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở khu vực biên giới An Giang, nhưng phía hiệp hội trả lời không thể chấp thuận. Bên cạnh đó, việc cấp phép cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở khu vực biên giới pha trộn đường cát khiến công tác chống buôn lậu vô cùng vất vả. Quy định kéo giãn thời gian đến 72 giờ sau khi bắt giữ hàng hóa (ngay cả bắt ở khu vực biên giới) doanh nghiệp được quyền xuất trình hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, làm cho việc xử lý hàng lậu thêm khó khăn”.

Vấn đề này, Trung tá Nguyễn Nhật Trường, Trưởng phòng CSĐTTP về TTQLKT và chức vụ, Công an tỉnh An Giang nhận định: “Việc kiểm tra, xử lý đường cát trong kho gặp rất nhiều khó khăn. Những hóa đơn, chứng từ này thường được sử dụng để quay vòng vận chuyển đường cát nhập lậu nhiều lần. Khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, duyệt hóa đơn thì đối tượng đối phó bằng cách thành lập nhiều cơ sở trong nội địa có mua bán mặt hàng đường cát do người nhà đứng tên, rồi xuất hóa đơn qua lại cho nhau…”.

Trong 11 tháng qua, Cơ quan CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ Công an tỉnh An Giang bắt giữ 1.504 vụ buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, với tổng trị giá hơn 26 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Công an huyện Tịnh Biên (An Giang), để hạn chế thấp nhất tình trạng buôn lậu, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là ở khu vực biên giới. Về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp, nhất là người dân ở khu vực biên giới để họ có cuộc sống ổn định, không để các đầu nậu lợi dụng, lôi kéo vào hoạt động buôn lậu.

BÌNH ĐẠI

Chiều 2-12, ông Đặng Văn Lớp, Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 của Long An, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chức năng Long An đã bắt gần 1.700 vụ kinh doanh vận chuyển hàng lậu, thu giữ hơn 2 triệu gói thuốc lá nhập lậu, hơn 220 chai rượu ngoại nhập lậu, hơn 8.000 lọ thuốc tân dược, 27m³ gỗ, gần 10.000kg vải nhập lậu… xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu… đã nộp ngân sách hơn 77 tỷ đồng.

Đăng Nguyên

Tin cùng chuyên mục