Báo động khoảng cách giàu - nghèo: Mỏng manh thu nhập, trực diện nghịch cảnh

LTS: Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới có khoảng cách giàu nghèo và số người siêu giàu tăng nhanh nhất. Trong khi tài sản ngày càng tích tụ vào một số rất ít người trong xã hội, thì tốc độ dịch chuyển thu nhập của nhóm người nghèo nhất lên các nhóm có thu nhập cao hơn, đang chậm lại. Khoảng cách giàu - nghèo đang doãng rộng. Làm gì để giảm khoảng cách giàu nghèo? Và bằng cách nào có thể tạo cơ hội cho các nhóm dưới bứt phá, hình thành một lớp trung lưu vượt thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

LTS: Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới có khoảng cách giàu nghèo và số người siêu giàu tăng nhanh nhất. Trong khi tài sản ngày càng tích tụ vào một số rất ít người trong xã hội, thì tốc độ dịch chuyển thu nhập của nhóm người nghèo nhất lên các nhóm có thu nhập cao hơn, đang chậm lại. Khoảng cách giàu - nghèo đang doãng rộng. Làm gì để giảm khoảng cách giàu nghèo? Và bằng cách nào có thể tạo cơ hội cho các nhóm dưới bứt phá, hình thành một lớp trung lưu vượt thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

“Giấu giàu chứ không ai giấu được nghèo” - cổ nhân đã đúc kết vậy. Đây cũng là vấn đề các nhà nghiên cứu gặp phải khi nghiên cứu, khảo sát: không “đụng” được về thu nhập của “mấy anh nhà giàu”. Tuy vậy, theo tính toán, người giàu nhất Việt Nam hiện nay có thu nhập một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm!

Trong khi hàng triệu người nghèo đang phải kiếm cơm qua ngày, giới nhà giàu Việt Nam cũng tăng nhanh, mua sắm hàng loạt siêu xe nhập khẩu. Ảnh: C.T.

Khác biệt lớn về thu nhập

Bất bình đẳng kinh tế ở Việt Nam đang tăng với mọi thước đo. Số liệu Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam tăng trong hai thập kỷ qua và đáng chú ý hơn là số người giàu đang chiếm phần thu nhập quá lớn. Vào năm 2012, tỷ lệ Palma của Việt Nam là 1,74 - nghĩa là nhóm 10% giàu nhất có thu nhập cao gấp 1,74 lần nhóm 40% thu nhập thấp nhất.

Đánh giá về chênh lệch giàu nghèo, thường cứ 2 năm một lần, Tổng cục Thống kê điều tra mức sống hộ gia đình. Dân số được chia làm 5 nhóm gọi là ngũ vị phân, mỗi nhóm chiếm 20%, lấy thu nhập của nhóm 5 (có thu nhập cao nhất) và nhóm 1 (thấp nhất) để tính ra sự chênh lệch. TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTB-XH), cho hay, chênh lệch nhóm 5 và nhóm 1 tăng qua các năm và tăng từ 8,4 lần (năm 2006) lên 9,8 lần (năm 2014). Theo Oxfam Việt Nam, năm 2014, Việt Nam có 210 người siêu giàu (có tài sản trị giá trên 30 triệu USD). Tổng tài sản của 210 người lên đến trên 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước! Dự đoán năm 2025 con số này là 403 người. Điều đó chứng tỏ tài sản ngày càng tích tụ vào một số rất ít người trong xã hội.

Bức tranh tương phản giàu - nghèo tại TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Về mức độ chênh lệch, theo tính toán của Oxfam Việt Nam, tài sản của người giàu nhất Việt Nam lớn tới mức, nếu có thể tiêu một triệu USD (hơn 22 tỷ đồng) mỗi ngày thì tiêu trong 6 năm mới hết. Người giàu nhất Việt Nam hiện nay có thu nhập một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm! Trong một giờ, người giàu nhất có mức thu nhập cao hơn khoảng 5.000 lần số tiền mà 10% người nghèo nhất Việt Nam chi dùng hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu; tài sản của người giàu nhất có thể giúp tất cả người nghèo ở nước ta thoát nghèo.

Tại TPHCM, Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho hay, khoảng cách thu nhập tiếp tục gia tăng, năm 2013 là 6,5 lần; 2014 là 6,6 lần và 2015 đã là 7,37 lần. Là người trực tiếp thực hiện các nghiên cứu, khảo sát về phân hóa giàu nghèo, Thạc sĩ Lê Văn Thành chia sẻ, điểm khó trong việc tính khoảng cách giàu nghèo là khi khảo sát các tầng lớp dân cư, nhóm khảo sát không “đụng” đến được… mấy anh nhà giàu, bởi họ không hợp tác, từ chối trả lời về các khoản thu nhập. Theo Thạc sĩ Lê Văn Thành, trong khi các giao dịch trong xã hội vẫn chủ yếu bằng tiền mặt và tính minh bạch chưa được đề cao, thật không dễ để tính ra tổng thu nhập của mỗi con người hay hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình giàu có với “n” khoản thu. Thạc sĩ Lê Văn Thành đánh giá: “Chênh lệch giàu - nghèo về thu nhập là rất lớn nhưng không có con số nào nói chính xác, đo đếm được”.

Thiếu tiền nên yếu cơ hội và ít tiếng nói

Bất bình đẳng kinh tế đang bị trầm trọng hơn bởi tình trạng nghèo về tiếng nói và cơ hội. Theo TS Đào Quang Vinh, đáng quan ngại là sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị; giữa nhóm dân tộc Kinh, Hoa và nhóm dân tộc khác; bất bình đẳng theo giới và đặc biệt là bất bình đẳng đáng kể về cơ hội và tiếng nói.

Hiện nay, các nhóm dân tộc có những chênh lệch đáng kể về mức sống, trong đó nhóm dân tộc Kinh, Hoa thường có mức sống cao hơn hẳn. Các nhóm dân tộc khác lại có tỷ lệ nghèo quá cao; họ chiếm chưa tới 15% dân số nhưng tới 70% số hộ nghèo cùng cực. Cơ hội dịch chuyển xã hội của người dân tộc thiểu số cũng thấp hơn. Trong 4 năm qua, có 49% số hộ  người Kinh và người Hoa trong nhóm ngũ phân vị có thu nhập thấp nhất đã chuyển lên nấc thu nhập cao hơn, trong khi chỉ có 19% hộ các nhóm dân tộc khác dịch chuyển lên như vậy. Mọi người đều có cơ hội dịch chuyển lên nấc thang xã hội trong quãng đời mình hay từ thế hệ này qua thế hệ sau. Tại Việt Nam, độ co dãn theo thế hệ là 0,36, có nghĩa là nếu thu nhập của cha mẹ tăng 1% thì thu nhập của con sẽ tăng 0,36%. Theo các chuyên gia, đây là thông tin tốt cho các gia đình khá giả nhưng lại là tin không hề vui cho người nghèo. Còn bất bình đẳng về tiếng nói thường đi cùng với sự phân biệt đối xử.

Bất bình đẳng về giới cũng rõ ràng. Nam giới có thu nhập trung bình cao hơn 33% so với nữ. Nam giới cũng kiểm soát đất đai và các tài sản quý khác nhiều hơn. Hầu hết các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà được cấp mang tên chủ hộ là nam giới. Tình trạng thiếu phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo cao nhất trong kinh doanh và chính trị cũng phản ánh sự bất bình đẳng. Mặc dù phụ nữ đóng góp đáng kể vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn và sản xuất lương thực, nhưng theo Oxfam Việt Nam, những đóng góp đó thường không được lượng giá cụ thể. Chẳng hạn, nhóm nông dân nữ có vai trò chủ yếu trong việc mua vật tư và bán sản phẩm nhưng thường không được công nhận là những chủ thể kinh tế cả ở cấp hộ gia đình và trong các chuỗi giá trị.

Theo các chuyên gia, lao động nhập cư là một trong các nhóm xã hội đang bị gạt ra khỏi mô hình tăng trưởng kinh tế nhanh hiện thời. Lao động nhập cư chiếm 7,7% tổng dân số (không tính nhóm nhập cư ngắn hạn); đa số (94%) dân nhập cư này đi từ nông thôn ra thành thị, và tới 70% tập trung ở các khu công nghiệp. Các hệ thống dịch vụ công ở địa phương không được thiết kế và phân bố ngân sách để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của họ.

Bệnh tật khiến người nghèo càng nghèo

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (43 tuổi), ngụ ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Con thứ ba của vợ chồng chị là em Bùi Thị Hòa (18 tuổi), nằm Bệnh viện Ung bướu TPHCM liên tục từ năm 2011 đến nay. 7 năm ở bệnh viện điều trị ung thư mô bào thần kinh, Hòa di chuyển từ khoa Nhi đến các khoa Nội 1, Ngoại 5… theo diễn tiến của bệnh và sự phát triển lứa tuổi. Em đã mổ 4 lần, song thời gian gần đây, lưỡi phù to, không ngậm được miệng lại, không ăn, không nói được. Số ngày con nằm viện nhiều hơn số ngày đến trường. Chị Thủy cho hay, dù đã có thẻ BHYT hộ nghèo, được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nhưng nhiều khi sử dụng thuốc ngoài danh mục BHYT thanh toán thì gia đình vẫn phải trả thêm tiền thuốc. Con nằm viện dài ngày, gia đình chị cũng chia năm xẻ bảy.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, chia sẻ, bệnh nhân nằm điều trị ung bướu rất đông, hơn 1.000 người. Thời gian điều trị bệnh ung thư thường kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và tốn kém (nếu hóa trị, có khi thuốc có giá mấy triệu đồng/toa), nên số bệnh nhân khó khăn cứ tăng dần. Lúc mới mắc bệnh, nhiều gia đình không đến nỗi; sau thời gian điều trị năm này sang năm nọ, thì suy kiệt kinh tế. Dù đã làm nhiều cách giúp bệnh nhân khó khăn ngặt nghèo, song ông Sơn nhìn nhận, bệnh viện mới chỉ giúp được cái “ngặt” thôi, chứ còn cái “nghèo” thì không giúp được.

Ở Việt Nam, tỷ lệ chi phí “thảm họa” (tức chi phí y tế chiếm bằng hoặc trên 40% khả năng chi trả) và nghèo hóa do chi phí y tế khá cao. Theo nghiên cứu vào năm 2012, có tới hơn nửa triệu gia đình Việt Nam (583.724 hộ) bị rớt xuống hay lún sâu vào cảnh nghèo do chi tiêu y tế. Các hộ nghèo được cấp miễn phí thẻ BHYT, tuy nhiên các chi phí khám chữa bệnh, vật tư y tế và thuốc nằm ngoài danh mục được bảo hiểm, cùng với chi phí ăn ở và đi lại đang là gánh nặng vô cùng lớn đối với các hộ nghèo khi gặp rủi ro đau ốm và bệnh tật.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục