Công trình dẫn hầm đường bộ Hải Vân 2 thi công ì ạch

Các hạng mục thi công cầu và đường dẫn thuộc dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2, thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế đang ì ạch thi công, chủ yếu do vướng mắc giải phóng mặt bằng và người dân nhiều lần cản trở…
Tiến độ thi công công trình ì ạch do vướng mắc về mặt bằng
Tiến độ thi công công trình ì ạch do vướng mắc về mặt bằng
Nguy cơ chậm tiến độ nghiêm trọng
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ GT-VT phê duyệt năm 2016 gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1, sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2, mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe (dự kiến khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020). 
Thế nhưng, đến cuối tháng 6-2018, khối lượng thực hiện các hạng mục thi công cầu và đường dẫn vào hầm Hải Vân 2 đoạn phía Bắc thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế mới đạt khoảng 30%; chậm khoảng 10% so với tổng tiến độ dự án đã được duyệt. Điều này dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ nghiêm trọng đối với một dự án dân sinh được kỳ vọng là trọng điểm của khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, cho biết hơn 13 năm vận hành, khai thác hầm đường bộ Hải Vân (từ tháng 6-2005 đến nay), đã có hơn 25 triệu lượt xe qua hầm an toàn. Số vụ tai nạn do va chạm, cháy nổ… giảm đáng kể.
Công trình đã góp phần rút ngắn được 2/3 quãng đường nối liền hai địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng; giảm ùn tắc và tai nạn giao thông khu vực đường qua đèo Hải Vân; cải thiện giao thông tuyến đường đối ngoại nối hành lang Đông - Tây của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan; góp phần quan trọng vào sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của ngành GTVT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung... Đặc biệt, việc sớm triển khai giai đoạn 2 sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới, nhất là với đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10%-15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện hữu, đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến quốc lộ 1. 
“Song sau gần nửa năm thi công bị ngưng trệ do vướng mắc mặt bằng, đầu tháng 4-2018, một số hạng mục dưới nước và đường dẫn đầu cầu Hải Vân 2 được tái khởi động trở lại thì tiếp tục gặp sự cản trở của người dân. Trong đó, một số hộ dân ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dùng thuyền, bè bơi vào khu vực thi công dự án, cản trở và gây mất an toàn lao động, an ninh trật tự tại khu vực này. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét, bàn giao mặt bằng sạch để đảm bảo tiến độ thi công. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều lần yêu cầu UBND huyện Phú Lộc, phải bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư chậm nhất vào ngày 31-5-2018. Song, việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa được cải thiện”, ông Đức nói.
Người dân cản trở thi công
Qua tìm hiểu, một số hộ dân ở thị trấn Lăng Cô cho biết, việc thi công nổ mìn, khoan cọc nhồi phục vụ dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 khiến nhà cửa của họ bị nứt nẻ. Đó là chưa kể đến nhiều lồng cá nuôi trên đầm Lập An (phía Bắc hầm Hải Vân) bị chết không rõ nguyên nhân nên dân cho rằng, do ảnh hưởng từ việc thi công dự án hầm đường bộ Hải Vân 2…
Ban quản lý Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân đã phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, tính toán và xác nhận, việc nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2 cách nhà dân gần 3km đồng thời khoan cọc nhồi trên sông gây ảnh hưởng nhà dân là không có căn cứ. “Việc nổ mìn thi công được thực hiện từ tháng 3-2017, nhưng nay người dân lại có khiếu nại là không hợp lý. Ngoài ra, rung chấn trong lúc thi công được đơn vị thường xuyên đo đạc và các thông số đều nằm trong phạm vi cho phép. Điều đáng nói, do người dân cản trở và vướng mắc mặt bằng nên đến nay đã hơn 1 năm từ khi bắt đầu triển khai, khối lượng thực hiện hạng mục thi công cầu, đường dẫn hầm Hải Vân 2 chỉ đạt khoảng 30% khối lượng”, ông Phạm Minh Đức cho biết thêm. 
Đầu tháng 10-2017, tình trạng cá chết hàng loạt khiến người dân bức xúc, cản trở thi công công trường phía Bắc hầm Hải Vân nên các hạng mục dưới nước bị dừng thi công hoàn toàn. Đến tháng 4-2018, công trình mới tiếp tục thi công trở lại thì nay lại vướng giải phóng mặt bằng thi công mố, trụ và toàn bộ đường dẫn cầu Hải Vân 2 ở phía Bắc. Dù rằng, vào đầu năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý chủ trương hỗ trợ 1 vụ nuôi cá lồng cho người dân. Chủ đầu tư đã phối hợp địa phương thống kê thiệt hại và hỗ trợ trên 8,5 tỷ đồng cho các hộ dân nuôi cá lồng, hơn 5,3 tỷ đồng chi phí đền bù đất, tài sản trên đất khu vực đường dẫn phía Bắc Hải Vân. Nhưng đến giờ vẫn còn 15 hộ dân chưa đồng ý với phương án và mức giá hỗ trợ đền bù.
Người dân cho rằng, mức giá chưa phù hợp với mức giá thị trường nên tập trung ở đường dẫn vào cầu dẫn Hải Vân 2 khu vực phía bắc thị trấn Lăng Cô để ném đá, dọa đánh cán bộ và công nhân thi công cầu Hải Vân 2, gây khó cho các đơn vị thi công. Với tình hình chậm trễ về giải phóng mặt bằng, nguy cơ sẽ không hoàn thành cầu dẫn Hải Vân 2 đồng bộ với phần hầm và cầu dẫn phía Nam là rất cao.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã yêu cầu UBND huyện Phú Lộc phối hợp với UBND thị trấn Lăng Cô và các lực lượng chức năng tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân. Qua đó, giải thích về cơ chế, chính sách, giúp người dân hiểu đúng vấn đề, chấp hành theo quy định pháp luật. Đồng thời, yêu cầu huyện phối hợp với cơ quan chức năng có phương án giải quyết kiến nghị về đơn giá đền bù, di dời bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng, đảm bảo hoàn thành công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tổ chức thi công trước ngày 15-7-2018. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu UBND huyện Phú Lộc phối hợp với các cơ quan kiểm tra thực tế để giải quyết các đơn thư phản ánh của người dân liên quan đến việc nứt nhà. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả phối hợp, chỉ đạo các nhà thầu tăng cường công tác thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các hạng mục đã bàn giao mặt bằng dưới nước, sớm hoàn trả lại mặt nước, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường để người dân có kế hoạch tổ chức sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản.

Tin cùng chuyên mục