Thực trạng phim lịch sử Việt Nam - Thiếu nhất người tài

Từ thực tiễn sáng tác bao nhiêu năm qua có thể thấy rõ phim đề tài lịch sử nước ta tiến bước luôn trong trạng thái ngập ngừng, chưa bao giờ thoát khỏi quy mô nhỏ lẻ. Điều gì khiến các nhà làm phim và cả khán giả không mặn mà với phim đề tài lịch sử? Đó là câu hỏi được đưa ra trong hội thảo “Nhân vật lịch sử trong điện ảnh Việt” do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức ngày 6-11, tại Hà Nội.

Theo nhà văn Lê Phương, tác giả phim Đêm hội Long trì - một trong những tác phẩm điện ảnh lịch sử đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, phải liều, thật liều mới có phim lịch sử. Nghe có vẻ hơi tiêu cực song thực tế, khi người làm phim lịch sử mà không có trường quay, không có ê kíp làm việc có kinh nghiệm làm phim lịch sử và không có cả nguồn kinh phí làm phim thật dồi dào thì thật sự phải rất liều.

Có lẽ, chính vì rất ít người dám liều như thế, trong 60 năm điện ảnh Việt Nam số phim đề tài lịch sử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể ra Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm và mãi sau đó tại thời điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mới có thêm vài phim lịch sử như Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long cùng một số phim truyền hình...

TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, phân tích, sở dĩ dòng phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc rất mạnh trước tiên là nhờ sự lưu trữ thật hoàn hảo những di sản vật thể trong truyền thống lịch sử và văn hóa của họ. Trong khi đó ở nước ta, những di tích lịch sử vốn đã không lớn, không bề thế, lại không lưu giữ được là bao. Trong nhiều năm qua, mặc dù Cục Điện ảnh luôn khuyến khích, tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản đề tài lịch sử song càng làm càng thấy việc đào bới pho tư liệu lịch sử gặp vô vàn khó khăn.

Theo nhà biên kịch Đoàn Tuấn, một trong những vướng mắc không dễ vượt qua là xử lý chuẩn xác, hợp lý mối quan hệ không thật rõ ràng giữa tính xác thực lịch sử với tính sáng tạo của nhà biên kịch, tức giữa sự thật lịch sử với sự chân thực hư cấu. Nhân vật lịch sử, phim lịch sử luôn bị ràng buộc bởi những khuôn khổ khách quan mà lịch sử đã định hình và in dấu ấn, đó là tính chất, ý nghĩa, xu hướng, giá trị, tác động của nhân vật cũng như trào lưu, sự kiện lịch sử đối với lịch sử. Việc phản ánh, tái tạo bộ mặt lịch sử trong khuôn khổ này, về nguyên tắc, cần được bảo lưu, tôn trọng tối đa có thể. Làm ngược lại, có thể rơi vào xuyên tạc, xâm hại lịch sử. Song, để tôn cao ý nghĩa và giá trị lịch sử, phù hợp với quy luật sáng tác trong quá trình sáng tạo hình tượng nghệ thuật, biến nhân vật và chất liệu lịch sử trở thành hình ảnh sống động, hấp dẫn, nhiều nghệ sĩ, chuyên gia và thực tiễn sáng tác chỉ ra rằng, sáng tạo, hư cấu nghệ thuật là thủ pháp, là thao tác không thể thiếu trong quá trình này.

Dẫn lời của nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh, đạo diễn Đào Bá Sơn cũng cho rằng khó khăn mà những người tâm huyết với dòng phim lịch sử phải đối mặt là luôn vướng phải phản biện. “Có những phản biện tốt nhưng nhiều phản biện làm nản chí những ai đã và đang dấn thân vào dòng phim này mà còn khiến các nhà đầu tư, các nhà làm phim không mở hầu bao. Và chính điều này cũng khiến các nhà làm phim không mặn mà với phim lịch sử” - đạo diễn Đào Bá Sơn nói.

Tại hội thảo, rất nhiều tham luận cũng đã chỉ ra những cản trở, vướng mắc trong việc làm phim lịch sử, như cần phải có cơ chế đầu tư hạ tầng toàn diện từ phim trường, kỹ thuật, kinh phí… Song theo các đạo diễn, các nhà biên kịch gạo cội, cái thiếu trầm trọng nhất hiện nay vẫn là thiếu người tài.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục