Hoàn thành kịch bản phim Vỡ bờ

Hoàn thành kịch bản phim Vỡ bờ

Tiểu thuyết Vỡ bờ (2 tập) của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924- 2003) nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bộ tiểu thuyết này đã được chuyển thể sang kịch bản (30 tập) phim truyện truyền hình. Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi - người vừa hoàn thành kịch bản 30 tập về tiểu thuyết Vỡ bờ.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính

Nhà văn Nguyễn Đình Chính

- PV: Ông có thể cho biết vì sao tới bây giờ mới chuyển thể và làm phim Vỡ bờ?

>> Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH: Tôi vốn là người của điện ảnh, đã từng là biên kịch của Hãng phim truyện Việt Nam, trước gọi là Xưởng phim truyện Việt Nam. Tôi thấy một thực tế mà ít người để tâm đến, đó là nền điện ảnh Xô Viết ngày trước. Thành tựu rực rỡ của điện ảnh Xô Viết trong đó phần không nhỏ chính là họ đã chuyển thể được nhiều tác phẩm văn học lớn thành điện ảnh và những tác phẩm điện ảnh ấy vẫn sừng sững trong lịch sử điện ảnh cũng như trong lòng xã hội, như tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina của Lep Tonstoi; Sông Đông êm đềm của Sôlôkhôp; hay như Thép đã tôi thế đấy... Việt Nam mình có những bộ tiểu thuyết không hề nhỏ, bao quát cả một chặng đường phát triển của lịch sử, nhưng hầu như ít người quan tâm đưa thành tác phẩm điện ảnh hay truyền hình.

Trong một lần trò chuyện với đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, thật thú vị Vương Đức cũng đồng quan điểm với tôi, vả lại rất trọng thị và ngưỡng mộ những sáng tác, đặc biệt là bộ tiểu thuyết Vỡ bờ của cha tôi. Thế là hai anh em đi đến thống nhất chuyển thành phim và tôi viết kịch bản.

- Ngay từ ý định ban đầu, nhà văn đã định hình là 30 tập?

Ban đầu tôi dự tính chỉ 20 tập. Vương Đức đề nghị phải 30 tập mới tải hết được khối lượng đồ sộ mà tiểu thuyết đề cập.

- Vỡ bờ ra mắt tập 1 năm 1962, nhưng mãi đến năm 1973, tập 2 mới hoàn thành. Để hoàn thành 30 tập kịch bản trong một chỉnh thể thống nhất, nhà văn có gặp nhiều khó khăn?

Đúng thế, Vỡ bờ là một tác phẩm văn học phản ánh xã hội Việt Nam chuyển hướng theo cách mạng. Phạm vi đề cập của tác phẩm rộng lớn từ thành thị tới nông thôn, với đủ các giai tầng trong xã hội như trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân, tiểu thương... Chúng tôi tuân thủ trình tự tác phẩm văn học. Nhưng để phù hợp cũng có đôi chút đảo lộn về không gian, thời gian.

Tôi mời nhà văn Mai Vũ, vốn là biên kịch Hãng phim Công an nhân dân cùng tham gia. Nhà văn Mai Vũ đã từng viết và chuyển nhiều kịch bản phim, là nhà biên kịch giỏi, rất có nghề và rất yêu mến tác phẩm của Nguyễn Đình Thi. Bọn tôi đều có nghề mà cũng thấy vất vả lắm.

- Trở lại sự vất vả với nhiều tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, ngay như những kịch bản viết cho sân khấu của ông, ai cũng thừa nhận đọc rất hay, nhưng để dựng được thì không hề dễ. Và có lẽ cho đến nay chỉ duy nhất đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi mới dựng được thành công vở kịch Rừng trúc của ông. Và cũng duy nhất NSND Lê Khanh mới diễn thành công vai Lý Chiêu Hoàng?

Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một trí tuệ lớn, điều này đã được thừa nhận ngay từ khi ông đang còn sống. Lĩnh vực nào ông cũng am hiểu và có những sáng tạo thành công. Đọc kỹ Nguyễn Đình Thi thấy ông là người rất triết lý, ý tưởng, thoại và suy nghĩ của ông rất hay; nhưng chi tiết thì yếu. Về ý tưởng đại cục thì nhân vật rất hay; nhưng để trở thành những chi tiết cụ thể của điện ảnh phải bồi đắp khá vất vả. Tôi là con trai ông nên phần nào hiểu được những khát vọng, ưu tư, chứa chất trong lòng cha mình. Tôi cũng viết văn nên khi còn sống hai cha con hay trò chuyện, trao đổi về văn chương. Tôi có nói nhận xét của mình về những nhân vật nông dân, công nhân thiếu sức thuyết phục bởi hiện thực đời sống yếu. Bố tôi cũng thẳng thắn nói: “Ừ, văn xuôi của bố nó quan lắm...”. Tập thứ nhất ông viết vào năm 1960, tập thứ hai ông viết năm 1968, do khoảng cách thời gian khá dài cũng làm cho tiểu thuyết bị loãng và yếu đi ở tập 2. Phần cuối bộ tiểu thuyết như những phóng sự, ghi chép và sa vào quá nhiều sự kiện. Ngay cả nghệ thuật viết tiểu thuyết của bố tôi cũng rất quan. Vì thế nên, việc chuyển thể sang kịch bản điện ảnh cho có “xương thịt” thật không dễ chút nào. Nhưng may là đã xong rồi.

- Cảm giác của ông sau khi hoàn tất công việc?

Tôi mong muốn và đề nghị nhà nước quan tâm và có những đầu tư thích đáng, để những tác phẩm văn học lớn của chúng ta đến với công chúng rộng rãi dưới hình thức của điện ảnh, truyền hình.

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục